Tập trung chống tội phạm lĩnh vực tài chính - ngân hàng

ANTĐ - Chiều qua (22-10), Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên  Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trước Quốc hội.

Theo đó, trong năm 2012 nhiều loại tội phạm gia tăng, tính chất nghiêm trọng hơn: Tội phạm giết người dã man trở thành những vấn đề đáng báo động về đạo đức xã hội; Tội phạm ma túy diễn biến ngày càng phức tạp, nhiều đường dây ma túy lớn (có sử dụng vũ khí nóng) tiếp tục hoạt động trên các địa bàn trọng điểm; Tội phạm chống người thi hành công vụ manh động thể hiện việc coi thường kỷ cương luật pháp; Tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy núp bóng doanh nghiệp, hình thành các ổ nhóm đòi nợ thuê…. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, theo Chính phủ là do tình hình kinh tế xã hội khó khăn khiến doanh nghiệp phá sản, lao động mất việc làm tăng cao, số vụ tín dụng đen tăng cao; Do công tác quản lý nhà nước còn sơ hở, thiếu sót trong một số lĩnh vực.

Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, để công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm có hiệu quả cần triển khai đồng bộ nhiều biện pháp. Điều tiên quyết là không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật (công tác xây dựng luật, pháp lệnh) nhằm khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước, tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật. Mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đặc biệt là đối với tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng vũ khí nóng, đâm thuê chém mướn, xiết nợ, đòi nợ thuê, tội phạm chống người thi hành công vụ, tội phạm ma túy. Tập trung chỉ đạo chống tội phạm kinh tế, tham nhũng, nhất là trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, tội phạm sử dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng sinh động các điển hình tiên tiến trong công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội. 

Chính phủ đề xuất nhóm nhiệm vụ và giải pháp cần thực hiện: Quán triệt và thực hiện triển khai nghiêm túc các chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về công tác phòng ngừa tội phạm; Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng, nhất là lực lượng làm nhiệm vụ an ninh trật tự cấp cơ sở; Nâng cao hiệu quả hoạt động nhà nước trên các lĩnh vực; Chỉ đạo giải quyết có hiệu quả các vi phạm gây bức xúc trong nhân dân; Mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tăng cường điều tra khám phá các vụ án được dư luận quan tâm…