HĐND TP Hà Nội khóa XIV:

Tập trung bảo tồn phố cổ, làng cổ, nghề truyền thống

ANTĐ - Trong ngày làm việc thứ 3 kỳ họp thứ 8 HĐND TP Hà Nội (4-12), các ĐB HĐND TP tiếp tục thảo luận và thông qua các nghị quyết về mức phí, lệ phí trông giữ xe, quy hoạch mạng lưới các cơ sở dạy nghề, danh mục phố cổ, làng cổ, biệt thự cũ....

Phố Mã Mây với những căn nhà cũ mới đan xen nhau. Ảnh: PHÚ KHÁNH

Tạo nguồn nhân lực có kỹ thuật

Tại phiên làm việc buổi sáng, các ĐB đã xem xét tờ trình của UBND TP về Quy hoạch phát triển mạng lưới trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu nhằm tạo nguồn nhân lực trực tiếp có kỹ thuật đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là các ngành kinh tế mũi nhọn... 

ĐB Đặng Đình An (Đống Đa) cho rằng quy hoạch cần tập trung vào chất lượng đào tạo chứ không nên chạy theo số lượng. Cần phải làm rõ quy mô của các trường và đào tạo nghề gì. Trong khi đó, ĐB Nguyễn Văn Phong (Sóc Sơn) chỉ rõ, phải có sự liên thông giữa dạy nghề và giáo dục phổ thông để định hướng dạy nghề, nhưng trong giải pháp chưa đề cập đến. “Tuyên truyền, vận động học nghề là vấn đề quan trọng, bởi xu hướng hiện nay là thích vào đại học, không muốn đi học nghề. Vì vậy cần phải có định hướng, phân luồng”, ĐB Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh. 

Sau khi đại diện UBND TP tiếp thu các ý kiến đóng góp, các ĐB HĐND TP đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về Quy hoạch phát triển mạng lưới trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với tỷ lệ 89,5% tán thành.

Hà Nội có 79 phố cổ, 1 làng cổ

Trong sáng qua, ĐB HĐND TP Hà Nội đã thảo luận và thông qua Nghị quyết về việc ban hành Danh mục phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 và di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô. 

Ở phần thảo luận, một số ý kiến ĐB HĐND đề nghị, để danh sách được đầy đủ cần rà soát trên địa bàn rộng hơn chứ không nên chỉ bó hẹp trong nội thành. Liên quan tới danh sách biệt thự cũ, ĐB Nguyễn Xuân Diên (Ứng Hòa) đánh giá: “Các biệt thự có loại nhà nước quản lý, có loại 1 chủ, cũng có loại nhiều chủ nhưng việc đánh giá còn sơ sài. Hiện nay từng biệt thự đó được quản lý sử dụng ra sao, hiện trạng thế nào để biết khi bảo tồn sẽ phải chi bao nhiêu tiền, ĐB không hình dung được do đó đề nghị cần có sự thảo luận xem xét kỹ hơn”.

Trước ý kiến của các ĐB, Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Nguyễn Thế Thảo cho biết thêm, việc rà soát biệt thự cũ được tiến hành kỹ lưỡng, bài bản, phân loại dựa trên cơ sở pháp luật. Đối với 1.253 biệt thự cũ được phân làm 3 loại, 225 biệt thự nhóm 1 dù đã bán nhưng vẫn phải tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị theo quy định, không phân biệt tư nhân hay sở hữu chung.

Theo Nghị quyết đã được thông qua, danh mục phố cổ có 79 phố, danh mục làng cổ có 1 làng, danh mục làng nghề truyền thống tiêu biểu có 7 làng, danh mục biệt thự cũ có 225 biệt thự. Nghị quyết cũng nêu rõ, hàng năm, UBND TP rà soát, trình HĐND TP điều chỉnh, bổ sung vào danh mục trên. 

6 năm chưa thay đổi phí trông giữ xe

Trong phiên làm việc buổi chiều, HĐND TP đã xem xét và thông qua Nghị quyết về Chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung TP Hà Nội giai đoạn 2014-2020; Chính sách khuyến khích phát triển nghề và làng nghề TP Hà Nội; Chính sách hỗ trợ đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn TP Hà Nội. 

Một trong những nội dung đáng chú ý là HĐND TP cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc ban hành, sửa đổi, bổ sung một số loại phí, lệ phí trên địa bàn TP Hà Nội. Theo đó, mức phí trông giữ xe đạp, xe máy được chia làm 2 khu vực. Đồng thời Nghị định cũng bổ sung thêm quy định riêng về mức thu phí trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô tại các tòa nhà chung cư, trung tâm thương mại.

Liên quan tới nội dung về các loại phí, lệ phí trong phần trình bày tờ trình, ông Phi Vân Tuấn – Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, qua kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước tại các điểm trông giữ xe (nhất là các bãi xe tự phát không có giấy phép, các điểm trông giữ xe tại bệnh viện, trường học, tại vỉa hè của các quận nội thành, các điểm danh lam thắng cảnh, vui chơi giải trí) còn tồn tại sai phạm thu cao hơn mức phí quy định. Ngoài nguyên nhân là do các tổ chức, cá nhân chạy theo lợi nhuận và quản lý chưa chặt chẽ, thường xuyên của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương còn có nguyên nhân do quỹ đất dành cho giao thông tĩnh của Thủ đô hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu. Mức thu phí hiện nay đã 6 năm chưa điều chỉnh nên không còn phù hợp mức độ trượt giá các chi phí trên thị trường....

Mức phí trông giữ xe đạp, xe máy

Tại địa bàn các quận và huyện Từ Liêm hay tại các điểm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hoá (không phân biệt theo địa bàn), phí trông giữ xe đạp (kể cả xe đạp điện, xe máy điện) tăng 1.000 đ/xe, ban ngày mức mới là 2.000 đ/xe; gửi theo tháng thì tăng từ 25.000đ/xe lên 40.000đ/xe. Với xe máy, phí trông giữ xe máy ban ngày tăng 1.000đ thành 3.000đ/xe, ban đêm từ 3.000đ/xe tăng lên 5.000đ/xe, cả ngày lẫn đêm mức mới là 7.000đ/xe, gửi theo tháng thì từ 45.000đ lên 70.000đ/xe. 

Tại các chợ, trường học, bệnh viện hay tại địa bàn các huyện ngoại thành (trừ huyện Từ Liêm, thị xã Sơn Tây), phí trông giữ xe đạp (kể cả xe đạp điện, xe máy điện) ban ngày mức mới là 1.000đ/xe, gửi theo tháng tăng từ 25.000đ/xe lên 30.000đ/xe. Phí trông giữ xe máy tăng 1.000 đ/xe, cụ thể nếu gửi ban đêm mức mới là 3.000 đ/xe, cả ngày lẫn đêm là 4.000đ/xe, gửi theo tháng từ 45.000đ/xe lên 50.000đ/xe.