Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2016:

Tạo mọi điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân phát triển

ANTD.VN - Mong đợi sự bứt phá mạnh mẽ hơn nữa của Chính phủ và bộ, ngành, địa phương trong đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, các doanh nghiệp cho rằng: Giải pháp quan trọng là rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực tế; xóa bỏ sự khác biệt giữa văn bản và thực thi. 

“Các bạn hãy đến với Việt Nam bằng khối óc, tức công nghệ hiện đại, quản lý tiên tiến và trái tim, tức đề cao chuẩn mực, đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp”(Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại VBP, ngày 5-12)

Nghe phản hồi để giải quyết đúng mức, kịp thời

Ngày 5-12, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên 2016 với chủ đề “Nâng cao vai trò khu vực kinh tế tư nhân, tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vì sự phát triển hài hòa của nền kinh tế Việt Nam” đã diễn ra tại Hà Nội.

Tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định cam kết tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, chính sách pháp luật, cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo mọi điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi: “Các bạn hãy đến với Việt Nam bằng khối óc, tức công nghệ hiện đại, quản lý tiên tiến và trái tim, tức đề cao chuẩn mực, đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp”. Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam sẽ không đón chào những nhà đầu tư coi Việt Nam là nơi chuyển giá hay trốn trách nhiệm môi trường, đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản và giá trị cốt lõi mà nhà đầu tư đã cam kết.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tiếp thu, nghiên cứu những đề xuất, kiến nghị phù hợp của Diễn đàn VBF để sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật liên quan. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối, có kế hoạch triển khai những nội dung trong các nhóm vấn đề đã thảo luận, trước hết là sửa thể chế, chấn chỉnh một số việc bất cập, tồn tại kéo dài. “Chúng ta nghe phản hồi nhưng phải có biện pháp xử lý, giải quyết đúng mức, kịp thời. Không phải nghe để biết, để đó…”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn môi trường kinh doanh được cải thiện - Ảnh: Internet

Xóa bỏ khác biệt giữa văn bản với thực thi

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành trong thời gian qua. Dù vậy, Chủ tịch VCCI cũng chỉ ra, nhiều chính sách kinh tế còn bất cập.

Công tác thanh tra, kiểm tra còn chồng chéo; thủ tục hành chính còn phiền hà, nhất là việc thực thi chưa nhất quán, sự thiếu minh bạch của môi trường kinh doanh và chi phí không chính thức còn cao… đang là những mối lo ngại lớn của cộng đồng doanh nghiệp.

“Thông điệp đã đủ mạnh, chính sách đã nhiều, định hướng đã rõ, hiện nay, giải pháp quan trọng là rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực tế; xóa bỏ sự khác biệt giữa văn bản và thực thi. Không thể chấp nhận được việc một số lĩnh vực dù đã được chỉ đích danh là cản trở, cần thay đổi nhưng sau bao năm vẫn không chịu thay đổi, dù đó chỉ là những thông tư cấp bộ”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Đánh giá môi trường doanh nghiệp ở Việt Nam đang dần được cải thiện, song Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam, bà Virginia Foote cũng phản ánh tình trạng doanh nghiệp còn gặp nhiều thách thức trong việc xử lý các vấn đề tham nhũng, các hạn chế về nguồn nhân lực, môi trường pháp lý và cấp phép hoạt động phức tạp, nhiều rào cản và không rõ ràng.

Trong khi đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam lại phàn nàn về các thủ tục thuế. Trong một số trường hợp, quá trình thanh tra thuế diễn ra nhiều năm sau năm tài chính, lại thêm việc các quy định được diễn giải theo nhiều cách hiểu khác nhau khiến doanh nghiệp bị phạt nặng cho những sai sót được xác định đã xảy ra từ hàng chục năm trước...

Trước băn khoăn của doanh nghiệp trong và ngoài nước, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, việc cải cách thủ tục thuế, hải quan và thay đổi cơ chế phục vụ đang được bộ này triển khai quyết liệt.

Cùng với đó, tiếp thu ý kiến từ phía đại diện doanh nghiệp, Bộ Tài chính sẽ rà soát lại vấn đề thanh tra, kiểm tra thuế định kỳ. Cơ quan thi hành sẽ là thanh tra thuế của Tổng cục Thuế; đồng thời, bộ sẽ thống nhất về quy định nộp phạt.

Hiện tại, với những kết quả bước đầu của tiến trình cải cách, Việt Nam đã giảm được thời gian giải quyết thủ tục nộp thuế xuống còn 117 giờ (giảm 420 giờ/năm), giảm thời gian thông quan từ 21 ngày xuống còn 14 ngày với thủ tục xuất khẩu và còn 13 ngày với thủ tục nhập khẩu... 

Bãi bỏ hàng nghìn điều kiện kinh doanh 

2016 là năm đầu tiên của Chính phủ mới, dù thời gian chưa được một năm nhưng cộng đồng kinh doanh thấy rõ những định hướng, cam kết trong phát triển kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ.

Đặc biệt, Chính phủ trong thời gian vừa qua đã đảm bảo những quy định đổi mới của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014 được thực hiện nghiêm túc.

Hàng nghìn điều kiện kinh doanh được quy định tại các Thông tư đã phải bãi bỏ; rà soát nghiêm túc các điều kiện kinh doanh và ban hành gần 50 Nghị định thay thế…