Tạo áp lực trách nhiệm

ANTĐ - Năm 2013 và những tháng đầu năm nay, chúng ta đã và đang vượt qua những khó khăn do cả những yếu tố khách quan và chủ quan mang lại để đưa nền kinh tế từng bước phục hồi, tăng trưởng GDP đạt 5,42%, cao hơn so với mức 5,25% của năm 2012, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhận định như vậy tại diễn đàn “Kinh tế xanh-con đường hướng tới phát triển bền vững”. Tuy nhiên, những khó khăn trong năm 2013 còn tiếp tục phải giải quyết như tình trạng nợ xấu, sở hữu chéo ngân hàng chưa được cải thiện tích cực, sức mua yếu, ngân sách bội chi lớn, tín dụng tăng trưởng chậm; quá trình tái cơ cấu chậm trễ, vướng lợi ích nhóm…

Ông Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng bày tỏ thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp. Đó là sức cạnh tranh kém, năng suất thấp, luôn phải ứng phó với hàng tồn kho, trả lãi vay. Việc tiếp cận các nguồn vốn vay của ngân hàng vẫn khó khăn, dòng vốn đưa vào sản xuất kinh doanh còn hạn chế. Bên cạnh đó, bộ máy hành chính cồng kềnh, làm việc kém hiệu quả, tiêu cực, tham nhũng, đang là những trở ngại lớn cho cộng đồng doanh nghiệp. Lòng tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động vào chính sách, thị trường và luật pháp phần nào bị giảm sút, chưa tạo được động lực cho phát triển. Bắt mạch đúng, nhìn thẳng vào thực trạng, Chính phủ đã có những quyết sách kịp thời, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Trước hết, tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn ngoài ngành đang được đẩy mạnh một cách quyết liệt.

Năm 2014-2015, gần 500 doanh nghiệp sẽ được cổ phần hóa, tức là phải làm bằng  4-5 lần tốc độ cổ phần hóa trong 3 năm qua. Lãnh đạo doanh nghiệp nào có tư tưởng chần chừ, không hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa sẽ chuyển làm việc khác. Để khơi thông huyết mạch nền kinh tế, Chính phủ tìm mọi cách khơi thông nguồn vốn, khuyến khích sản xuất, kích thích tiêu dùng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi, an toàn. Mục tiêu đến cuối năm 2014 tăng trưởng tín dụng đạt 15%, ưu tiên 5 lĩnh vực xuất khẩu, nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ và công nghệ cao. Riêng với thị trường bất động sản không đặt vấn đề Nhà nước cứu mà phải để sự điều tiết của thị trường; sửa đổi và bổ sung cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh việc giải ngân gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng.

Trọng tâm của năm 2014 là đột phá về cải cách thể chế, hành chính. Bước đột phá này không đòi hỏi nguồn vốn vật chất lớn, mà đòi hỏi “Vốn con người”, Trường ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh. Đó là: Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, tạo dựng thể chế khơi thông nguồn lực. Để làm được điều này, Nhà nước triệt để tăng cường cải cách thể chế, hành chính, tạo động lực nhưng cũng phải tạo áp lực trách nhiệm với các cơ quan thực thi chính sách, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, từ đó mới tạo được niềm tin cho người dân.