Tăng tốc độ lưu thông cho phương tiện cơ giới: Không lo tăng tai nạn

ANTĐ - Từ 1-3-2016 tới đây, ô tô lưu thông trong khu vực đông dân cư, khu vực đô thị sẽ được tăng tốc độ tối đa thêm 10km/h so với quy định hiện hành. Quy định mới này được các lái xe hồ hởi đón nhận.

Tăng tốc độ lưu thông cho phương tiện cơ giới: Không lo tăng tai nạn ảnh 1Các loại xe ô tô sẽ được chạy nhanh thêm 10km/h

Tăng thêm 10km/h

Theo Thông tư quy định về tốc độ và khoảng cách xe cơ giới đường bộ, có hiệu lực từ 1-3-2016 của Bộ GTVT, trong khu vực đông dân cư, các phương tiện xe cơ giới được phép chạy tối đa 60km/h trên đường đôi, có dải phân cách giữa và đường một chiều có từ 2 làn xe cơ giới trở lên. Trong khi đó, trên đường 2 chiều không có dải phân cách giữa và đường một chiều có 1 làn xe cơ giới, các phương tiện xe cơ giới được phép chạy tối đa 50km/h. Như vậy, so với hiện tại, các phương tiện xe cơ giới sẽ được chạy với tốc độ tối đa cao hơn 10km/h trong khu vực đông dân cư.

Ở ngoài khu vực đông dân cư, xe ô tô con, xe ô tô chở người đến 30 chỗ (trừ xe buýt), ô tô tải có trọng tải đến 3,5 tấn được phép chạy tốc độ tối đa 90km/h trên đường đôi, có dải phân cách giữa và đường một chiều có từ 2 làn xe cơ giới trở lên. Con số tương ứng trên đường 2 chiều không có dải phân cách giữa và đường một chiều có một làn xe cơ giới là 80km/h. Trong khi đó, tốc độ tối đa cho phép đối với xe máy chuyên dùng, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự trên đường bộ (trừ đường cao tốc) là không quá 40km/h. Tốc độ của các loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc không vượt quá 120km/h.

Về việc đặt biển báo hiệu tốc độ, Thông tư quy định không được đặt biển hạn chế độ tốc dưới 50km/h trên các đường nhánh ra, vào đường cao tốc. Liên quan đến việc đặt những biển báo trên các đường nhánh ra, vào đường cao tốc, tại cuộc họp tổng kết năm của Tổng cục Đường bộ mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng đã nhìn nhận là không có giá trị và cần phải nhổ bỏ đi.

Bên cạnh đó, Thông tư còn quy định về khoảng cách giữa các xe, thuộc loại xe cơ giới và xe chuyên dùng, khi tham gia giao thông trên đường bộ. Theo đó, khi mặt đường khô ráo thì khoảng cách an toàn ứng với mỗi tốc độ được quy định. Khi điều khiển xe chạy với tốc độ từ 60km/h trở xuống, trong khu vực đô thị, đông dân cư, người lái xe phải chủ động giữ khoảng cách an toàn phù hợp với xe chạy liền trước xe của mình; khoảng cách này tùy thuộc vào mật độ phương tiện, tình hình giao thông thực tế để đảm bảo an toàn.

Đặc biệt Thông tư lưu ý: “Không đặt biển báo theo địa giới hành chính được quy hoạch, nếu chưa đô thị hoá hoặc dân cư thưa thớt”. Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, trong thời gian tới, Tổng cục sẽ rà soát hệ thống biển báo tốc độ trên đường bộ. Trong đó, trên các tuyến đường quốc lộ sẽ không còn duy trì những biển báo hạn chế tốc độ 40km/h.

Tăng tốc độ lưu thông là cần thiết

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, việc điều chỉnh tốc độ tối đa cho phép đối với phương tiện cơ giới đường bộ là cần thiết. Nhiều năm qua, Nhà nước đã chi hàng tỷ USD để xây dựng hạ tầng, mở rộng, nâng cấp đường sá. Ngoài ra, chất lượng phương tiện cũng đã được kiểm soát chặt chẽ hơn, tốt hơn thì việc nâng tốc độ cho phương tiện là hoàn toàn hợp lý, tránh trường hợp quy định kìm hãm sự phát triển của xã hội.

Tuy nhiên, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, sau khi điều chỉnh tăng tốc độ thì việc quản lý cần được giám sát chặt hơn nhằm nâng cao trách nhiệm của ngành giao thông để bảo đảm phát huy hiệu quả chính sách. Trên thế giới, trước khi điều chỉnh tăng tốc độ, họ sẽ điều tra, khảo sát về tình hình TNGT. Sau khi điều chỉnh tăng tốc độ, họ tăng cường thiết bị công nghệ để quản lý thiết bị giám sát hành trình nhằm theo dõi, phân tích dữ liệu giao thông, camera phạt nguội và các phần mềm quản lý giao thông mới. Khi tăng cường thiết bị công nghệ giám sát, nếu xảy ra TNGT thì sẽ phân tích được nguyên nhân vì sao, có phải do tốc độ hay do nguyên nhân nào khác, tránh đổ thừa lẫn nhau.

Liên quan đến lo ngại, việc tăng tốc độ lưu thông tối đa của phương tiện sẽ tiềm ẩn nguy cơ TNGT, ông Bùi Danh Liên cho rằng, TNGT xảy ra phần lớn do ý thức của người tham gia giao thông, nếu nói tăng tốc độ lên sẽ làm gia tăng TNGT là có phần khiên cưỡng. Hơn nữa, việc tăng tốc độ, Bộ GTVT cũng đã nghiên cứu và xem xét kỹ lưỡng, chỉ tăng đối với những loại đường phù hợp, đảm bảo an toàn. 

“Biển báo bất hợp lý còn, người phải đi”

Liên quan đến việc biển báo giao thông không phù hợp gây bức xúc trong dư luận, ông Vũ Đỗ Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam báo cáo, trong tháng 1-2016 đơn vị này sẽ rà soát và tháo bỏ tất cả các biển báo bất hợp lý. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng không đồng ý: “Tại sao không nhổ ngay biển báo? Tổng cục chỉ báo cáo có vài biển báo bất hợp lý nhưng vừa rồi người dân ở nhiều nơi vẫn gửi tin nhắn đến số điện thoại của Bộ trưởng phản ánh. Như hôm qua (18-1), có tin nhắn báo đường 356 tại Hải Phòng có tới 8 biển báo dưới 30 km/h. Báo chí cũng nói biển báo “bẫy” nhiều nhổ không xuể…”. 

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ thanh minh, vừa qua, lực lượng chức năng đã kiểm tra và nhổ bỏ 19 biển báo bất hợp lý ở Khánh Hòa. Hơn nữa, việc cắm biển báo là do lực lượng quản lý GTVT ở địa phương, Tổng cục không thể nhổ bỏ được.

Nghe vậy, Bộ trưởng Đinh La Thăng không đồng ý và cho rằng, nếu vậy thì vai trò quản lý Nhà nước ở đâu? Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu, trong tháng 2-2016, Tổng cục Đường bộ phải nhổ bỏ toàn bộ biển báo không phù hợp. “Nếu biển còn thì người phải đi. Anh là quản lý mà không làm được việc này thì phải đi làm việc khác”, Bộ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh. 

Hải Dương