Tăng giá vì ai?

ANTD.VN - Dịch vụ ở các cảng hàng không của Việt Nam hiếm khi được đánh giá cao. 

Sau nhiều đợt chấn chỉnh của Bộ GTVT, tình hình có cải thiện hơn một chút rồi những điểm cộng cứ rơi rụng dần và lời phàn nàn của hành khách lại liên tiếp “bay” về. Không chỉ là giá cả đắt đỏ, dịch vụ không tốt, đôi khi phải chen chúc, lộn xộn, hành khách còn phải đối diện với những tình huống phức tạp hơn khi tới các cảng hàng không trong nước.

Trong 3 ngày gần đây (8, 9, 10-3), vụ việc website của một loạt cảng hàng không như Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Phú Quốc, Rạch Giá, Tuy Hòa bị 2 tin tặc 15 tuổi tấn công, thay đổi giao diện, là ví dụ điển hình. Trong những vụ việc như thế này, hành khách sẽ phải đối diện với nguy cơ bị trễ giờ bay, mất thông tin cá nhân, thậm chí an ninh, an toàn bay cũng bị đe dọa...

Trong bối cảnh còn nhiều tồn tại như trên, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vẫn nhiều lần đề xuất tăng giá một số dịch vụ hàng không, “đánh” cả vào các hãng hàng không và hành khách. Thực chất, việc tăng phí dịch vụ sẽ dồn lên hành khách bởi tới lượt mình, các hãng hàng không cũng chẳng dại gì mà không tính khoản phí gia tăng vào giá vé. ACV cho rằng các hãng hàng không đang lãi lớn nên sẽ thuận lợi cho việc tăng giá dịch vụ mà quên mất rằng, bản thân ACV cũng đang lãi tới hàng nghìn tỷ đồng/năm.

Các doanh nghiệp làm ăn có lãi là điều rất tốt. Tuy nhiên, họ đạt siêu lợi nhuận trong khi dịch vụ cung cấp cho hành khách lại chưa đâu vào đâu thì không ổn chút nào. Hành khách đi tàu bay - người làm giàu cho các hãng hàng không và nhà cung cấp dịch vụ hàng không cần được tôn trọng hơn, chứ không thể cứ bị “đè” ra “móc túi” bất cứ lúc nào.

Nắm trong tay hệ thống mặt bằng ở những sân bay hàng đầu Việt Nam - nơi có giá cả dịch vụ đắt đỏ chỉ thua khách sạn 5 sao - nhưng ACV đã không quản lý chặt chẽ diện tích cho thuê ở các sân bay này. Mới đây, Thanh tra Bộ GTVT đã phát hiện ra nhiều diện tích mặt bằng cho thuê thực tế tại một số cảng hàng không bị “hao hụt” so với con số trong giấy tờ sổ sách. Việc này không chỉ làm mất đi một khoản doanh thu đáng kể của chính ACV mà còn làm giảm chất lượng dịch vụ.

Rõ ràng, nếu ACV quản lý tốt hơn, khoản lãi hàng năm của doanh nghiệp này sẽ còn cao hơn nữa. Đáng chú ý, cũng theo Thanh tra Bộ GTVT, dù lãi tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm nhưng ACV chưa đầu tư mạnh cho thiết bị phục vụ hành khách. Đơn cử, tại Cảng hàng không Côn Đảo, ACV chỉ duy trì 1 máy soi an ninh hành lý xách tay. Nếu thiết bị trên gặp sự cố không vận hành được, thì cảng này sẽ phải áp dụng biện pháp kiểm tra an ninh thủ công! 

Với thực tế nêu trên, việc ACV đòi tăng giá dịch vụ hàng không là vì gia tăng lợi nhuận của mình hay vì hành khách? Đây là điểm cốt lõi mà Bộ GTVT cần làm rõ trong quá trình xem xét đề xuất tăng giá dịch vụ của ACV.