Tăng cường trang thiết bị hiện đại, nâng cao hiệu quả PCCC

ANTĐ - Nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng, trong tình hình hiện nay, cần đầu tư ngân sách mua thêm trang thiết bị hiện đại, nâng cao năng lực PCCC.

Vụ cháy tòa nhà điện lực Việt Nam (11 Cửa Bắc, HN) hồi cuối năm 2011
là điển hình cho việc cần các trang thiết bị PCCC hiện đại

Sáng nay (28-5), các đoàn ĐBQH đã tiến hành thảo luật tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC.

Tại đoàn Hà Nội, ĐB Bùi Thị An phát biểu: Tôi xin đóng góp ý kiến tập trung vào PCCC cho nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) và cháy rừng, vì hậu quả nếu xảy ra ở hai khu vực này thường rất lớn. Do điều kiện khí hậu nắng nóng, hầu như năm nào nước ta cũng xảy ra cháy rừng. Khi một cánh rừng bị thiêu trụi nó sẽ kéo theo nhiều hậu quả như lũ lụt, biến đổi khí hậu... vì thế cần có sự quy hoạch PCCC rõ rệt cho từng loại rừng đặc thù: rừng keo đề phòng ra sao, rừng bạch đàn ứng phó thế nào... để có thể nhanh chóng khoanh vùng đám cháy, chống tình trạng cháy lan gây thiệt hại lớn như hiện nay. Trên thực tế, xảy cháy rừng thì người dân địa phương và bộ đội là những lực lượng tham gia đông đảo, vì địa hình không cho phép xe chữa cháy chạy vào tới nơi. Vì thế cần tập trung đầu tư thêm chỗ này.

Nhà máy ĐHN lại là một đặc thù khác, cần có phương tiện chữa cháy đặc thù. Đầu tư ngân sách nhà nước phải tập trung cho nghiên cứu, đào tạo cán bộ, mua trang thiết bị hiện đại, phù hợp cho công tác PCCC đối với nhà máy kiểu này.

Đồng quan điểm trên, ĐB Lê Hiền Vân cho rằng nhà máy ĐHN, đường tàu điện ngầm- trên cao, kho bạc nhà nước, các kho vũ khí đạn dược của lực lượng vũ trang... là các công trình đặc thù, nếu không may xảy cháy sẽ gây hậu quả khó lường, vì vậy cần có cơ chế cụ thể, cách thức tổ chức lực lượng để xử lý hết sức chuyên nghiệp khi xảy cháy.

Máy bay trực thăng tham gia chứa cháy rừng ở nước ngoài

ĐB Nguyễn Quốc Bình đặt vấn đề: Luật PCCC hiện hành đã ra đời 12 năm, song tình trạng cháy nổ vẫn xảy ra, còn nhiều. Về trang thiết bị PCCC phải quy định rất cụ thể đến từng hộ gia đình, tối thiểu là gì? không thể nói chung chung như luật về kinh tế hay hành chính. Ông Bình cũng cho rằng cần quy định rất chặt trong PCCC về xây dựng nhà chung cư, cao tầng, hiện nay phần lớn các công trình kiểu này rất khó tiếp cận khi xảy cháy.

Cơ bản thống nhất với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Quốc phòng-An ninh về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC, ĐB Đinh Xuân Thảo phát biểu: Nước ngoài có cả máy bay chữa cháy, nghĩa là họ đầu tư rất lớn. Do đó Ngân sách Nhà nước để đảm bảo cho công tác PCCC là cần thiết, song sử dụng như thế nào cho có hiệu quả? Cần tránh tình trạng khi “xung quân” thì phương tiện, thiết bị lại trục trặc do cũ kỹ lạc hậu.

Tại đoàn TP.HCM, ĐB Huỳnh Thành Đạt đóng góp ý kiến vào điều 27 dự thảo luật: Tôi thấy mới đề cập đến PCCC cho bệnh viện, khách sạn, trường học... tuy nhiên lại chưa thấy đề cập đến các ký túc xá. Hiện nay có nhiều ký túc xá có sức chứa từ một vài đến cả chục ngàn sinh viên, đề nghị bổ sung thêm chỗ này.

ĐB Lê Trọng Sang đề cập đến trách nhiệm cá nhân, tổ chức cụ thể khi thiếu trách nhiệm để xảy cháy. Ông cho rằng, hiện tại ở TP.HCM có rất nhiều chung cư, cao ốc, văn phòng, nhà xưởng, bãi xe... cho thuê. Khi xảy cháy không xác định rõ trách nhiệm nên khó xử lý, người thuê thì chỉ biết sử dụng, còn chủ sở hữu không sinh sống tại chỗ nên cũng lơ là trong công tác PCCC.