Tăng 1.000 đồng thuế môi trường có thể làm lạm phát tăng 1,6%?

ANTD.VN - Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), tăng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu thêm 1.000 đồng/lít có thể làm tỷ lệ lạm phát trong vòng 1 năm tới tăng 1,6 điểm phần trăm.

Tại Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III vừa công bố sáng nay, 10/10, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ra cảnh báo lạm phát năm 2018 khó đạt mục tiêu 4% và lo ngại về lạm phát năm 2019 vượt xa mức 4%.

Trong đó, theo VEPR. một vấn đề về lạm phát được người dân quan tâm nhất là giá mặt hàng xăng dầu. “Thông thường, việc giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh tăng sẽ kéo theo nhiều loại mặt hàng khác tăng theo do chi phí vận chuyển tăng lên. Trong bối cảnh giá năng lượng thế giới liên tục hồi phục thời gian qua, việc áp kịch trần thuế bảo vệ môi trường từ năm sau sẽ tạo áp lực lớn lên lạm phát thời gian tới. Chúng tôi cho rằng, lạm phát năm 2019 có thể sẽ vượt xa mức mục tiêu 4% mà Chính phủ và Quốc hội đặt ra cho những năm gần đây” – TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết.

Thuế BVMT tăng 1.000 đồng vào giá xăng có thể khiến tỷ lệ lạm phát tăng thêm 1,6%

Theo tính toán sơ bộ của VEPR, riêng sự thay đổi về thuế bảo vệ môi trường, 1.000 đồng thuế tăng vào giá xăng có thể làm tỷ lệ lạm phát trong vòng 1 năm tới tăng 1,6 điểm phần trăm trong bối cảnh giá nhiên liệu thế giới tiếp tục ở mức cao.

Đồng tình với tính toán của VEPR, PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng đánh giá của Bộ Tài chính về tác động của việc tăng thuế bảo vệ môi trường chỉ làm tỷ lệ lạm phát năm 2019 tăng khoảng 0,09 điểm phần trăm là “quá thấp, thiếu chính xác”.

Theo TS Phạm Thế Anh, việc đánh thuế vào xăng dầu còn kéo theo các tác động khác, ảnh đến nguyên vật liệu sản xuất, làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng tới giá hàng hóa và chi phí của doanh nghiệp. “Thuế với mặt hàng xăng dầu sẽ tác động đến cả tiêu dùng hộ gia đình và doanh nghiệp”, TS Phạm Thế Anh nói.

Báo cáo của VEPR nhận định: Nối tiếp đà tăng của quý 2, lạm phát vẫn được giữ ở mức cao trong quý 3/2018. Sau khi tăng cao lên 4,67% vào tháng 6, lạm phát toàn phần đã suy giảm nhẹ trong quý 3 và duy trì ở mức 3,98%. Tuy nhiên, mức lạm phát này cũng đã cao hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm 2017 khi lạm phát chỉ tăng lần lượt 2,52%; 3,35%; 3,40% trong 3 tháng quý 3/2017.

Quý cuối cùng của năm 2018 khi không còn các yếu tố thuận lợi hỗ trợ như năm 2017, lạm phát các tháng có khả năng sẽ vượt quá mốc 4%. Một tín hiệu cho thấy khả năng này là giá xăng đã tiếp tục tăng mạnh từ chiều ngày 06/10/2018.