Tân Thủ tướng Suga Yoshihide và cách điều chỉnh lại danh xưng ở Nhật Bản

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các nhà báo nước ngoài làm việc tại đất nước mặt trời mọc cho biết, họ đang chịu áp lực phải nhượng bộ yêu cầu của chính phủ sở tại về việc đảo ngược thứ tự tên, họ của các cá nhân trong những bài báo của mình. Việc này phải bắt đầu ngay từ tên của Thủ tướng Nhật Bản…
Nhật Bản định chuẩn hóa quy định viết tên theo thứ tự họ trước - tên sau với tất cả các loại hình báo chí

Nhật Bản định chuẩn hóa quy định viết tên theo thứ tự họ trước - tên sau với tất cả các loại hình báo chí

Nhật Bản đã áp dụng phong cách phương Tây khi viết tên của một người bằng chữ Latinh gồm tên trước, họ sau. Việc này đã có từ 100 năm trước, khi Thiên hoàng Minh Trị thực hiện cải cách duy tân, khuyến khích vận dụng các ý tưởng từ nước ngoài vào. Cùng với quá trình công nghiệp hóa, cải cách ruộng đất, thành lập quân đội chuyên nghiệp và miễn phí giáo dục, người dân đã được khuyến khích viết tên theo kiểu phương Tây khi sử dụng bảng chữ cái La Mã.

Tuy nhiên, vào tháng 9-2019, Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố họ có ý định chuẩn hóa cách viết tên tiếng Nhật bằng chữ Latinh trên các văn bản chính thức, tức là họ trước, tên sau, và cho biết truyền thông trong nước cũng nên làm như vậy. Đài truyền hình quốc gia NHK đã nhanh chóng áp dụng phong cách mới, nhưng việc thực hiện ở những nơi khác kém thành công hơn. Các nhóm truyền thông khác như The Japan News, phiên bản tiếng Anh của tờ Yomiuri Shimbun, The Asahi, The Mainichi, The Japan Times và hãng thông tấn Kyodo News vẫn chưa thay đổi chính sách biên tập về tên tuổi.

Thế nhưng một số nhà báo nói rằng, áp lực thay đổi có thể sẽ tăng lên. Một khi điều đó xảy ra, Chính phủ sẽ nỗ lực để các phương tiện truyền thông nước ngoài tuân thủ tương tự. Một phóng viên nước ngoài viết cho tờ báo kinh tế Nikkei tiếng Anh cho biết, các nhà chức trách vẫn chưa rõ ràng về việc này: “Có người không biết đến sự thay đổi này sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono đưa ra bình luận liên quan. Cho đến nay, vẫn chưa có quyết định chắc chắn”.

“Ông Taro Kono nói nhiều về điều này, rằng ông muốn được gọi là Kono Taro. Tôi đã phỏng vấn ông ấy vài tuần trước và nhận ra sở thích của ông ấy. Tôi cảm thấy mình phải cố gắng giải thích rằng, chúng tôi sẽ vẫn áp dụng hình thức hiện tại vì đó là phong cách được truyền thông phương Tây sử dụng” - một nhà báo châu Âu cho biết.

Nhà báo này cũng thông tin thêm: “Chúng tôi có thể đổi họ lên đứng trước tên nếu đó là cách họ được sử dụng nhất quán trong các tài liệu của Chính phủ Nhật Bản, trong giới kinh doanh hoặc ở những nơi khác. Nhưng hiện tại không phải như vậy, mà nếu truyền thông nước ngoài chúng tôi thay đổi cách viết tên sẽ chỉ gây ra sự nhầm lẫn”.

Jake Adelstein hiện là phóng viên Nhật Bản của trang tin tức The Daily Beast (Mỹ). Trước đây, anh là phóng viên chuyên viết về mảng hình sự cho tờ Yomiuri Shimbun và đã ra một cuốn sách bán chạy về các nhóm Yakuza (thế giới tội phạm ngầm của Nhật Bản). “Vài tháng trước, tôi đã được yêu cầu đặt họ lên trước tên khi viết về một bộ trưởng, và người ta đã nổi cáu khi tôi từ chối. Người ta nói rằng, truyền thông nước ngoài như Hàn Quốc, Thái Lan vẫn làm thế. Nhưng người ta không thể ra lệnh thiếu thuyết phục như vậy” - Adelstein cho biết.

Chính phủ Nhật Bản đã kêu gọi các phương tiện truyền thông bằng tiếng Anh trong nước áp dụng thứ tự tên mới khi đăng tải các bài báo. Cũng có thông tin cho rằng, các tổ chức truyền thông từ chối thực hiện yêu cầu của Chính phủ sẽ bị hạn chế quyền truy cập vào các nguồn tin, đơn cử như mất cơ hội phỏng vấn các bộ trưởng hoặc quan chức Chính phủ hàng đầu.

Một quan chức của Văn phòng nội các đã đưa ra lời giải thích: “Chúng tôi đã quyết định thay đổi thứ tự tên họ vì theo văn hóa Nhật Bản, họ phải đứng trước”. Khi được hỏi tại sao phải mất một thế kỷ để giới thiệu lại khía cạnh này của văn hóa Nhật Bản, vị này trả lời rằng, Nhật Bản đã “điều chỉnh” theo các tiêu chuẩn của châu Âu và Mỹ trong quá khứ, nhưng Tokyo gần đây đã thay đổi chính sách đó.

Nhật Bản quyết định thay đổi cách viết thứ tự tên họ vì theo văn hóa Nhật Bản, họ phải đứng trước tên. Khi được hỏi tại sao phải mất một thế kỷ để giới thiệu lại khía cạnh này của văn hóa Nhật Bản, một quan chức của Văn phòng nội các nói rằng Nhật Bản đã “điều chỉnh” theo các tiêu chuẩn của châu Âu và Mỹ trong quá khứ, nhưng Tokyo gần đây đã thay đổi chính sách đó.