Tản mạn phố cổ

(ANTĐ) - Lên phố cổ là hòa vào cái chất Hà Nội đặc quánh từ con người, phố xá, cửa hàng, cửa hiệu, lời ăn tiếng nói của một chốn “kinh thành Hoa lệ”...

Tản mạn phố cổ

(ANTĐ) - Lên phố cổ là hòa vào cái chất Hà Nội đặc quánh từ con người, phố xá, cửa hàng, cửa hiệu, lời ăn tiếng nói của một chốn “kinh thành Hoa lệ”...

1. Thuở bé, ngày chủ nhật, tôi hoặc theo mẹ, hoặc theo cha được dạo thăm phố cổ.

Đi với mẹ được nhẩn nha hơn... Phố cổ trong mắt tôi bắt đầu từ chiếc xe điện kéo hai hoặc ba toa, tôi theo mẹ, lên từ chợ Hôm, qua Bờ Hồ, đền Ngọc Sơn, đi vào ruột Hàng Ngang, Hàng Đào, rồi xuống Hàng Đường... Phố cổ là nơi mua sắm xưa...

Mỗi phố, đều kinh doanh mặt hàng riêng. Hàng tơ lụa với những nhân viên bán hàng người Âu, đội mũ phớt, như cái đấu cao úp ngược, màu đen, lấy những xúc vải, xúc lụa ra nhanh nhẹn, thành thạo, rồi đo, rồi xé rất có nghề, không bao giờ quên được... Hàng Đường thì đông đúc, mỗi khi Trung thu đến, tiếng thợ luyện bột làm bánh phía trong nhà, người ra vào tấp nập. Hiệu bánh nổi tiếng Đông Hưng Viên, khách mua đứng chật, phải hàng chục người bán hàng, mới trả hàng được cho vừa lòng khách...

Chợ Đồng Xuân
Chợ Đồng Xuân

Hàng Đồng thì sáng loáng những lư hương, cây nến, hạc đồng, bộ tam sự, bộ ngũ sự, với các kiểu dáng, tha hồ mà chọn...

Hàng Thiếc thì thùng tôn, thùng sắt tây, ấm sắt tây vòi cao, đun trên kiểu bếp lò gốm xưa, bầy tầng trên tầng dưới...

Hàng Buồm thì có hiệu cao lâu Mỹ Kinh, quanh đó thì hàng thịt quay, hàng vằn thắn, chen vào lại có hai hiệu chè của người Hoa nổi tiếng là Phú Thái và Chính Thái... Rồi Hàng Bát, Hàng Giấy, Hàng Mã, Hàng Chiếu... Phố cổ bao giờ cũng là nơi tụ hội đông người nhất từ mờ đất cho đến nửa đêm...

Chưa kể phố ăn uống Tạ Hiện, có rạp hát Lạc Thành Đài, dân ăn chơi rủ nhau, sau khi xem hát, kéo vào ăn uống tấp nập... Phố cổ xưa là đất mua sắm, buôn bán tập trung, hàng gì cũng cao, muốn mua sắm gì thì phải lên phố cổ.

Còn nhà ở phố cổ ư... Cao nhất chỉ là nhà hai tầng. Phía dưới là cửa hàng.. Nhà nào sang thì làm cửa kính. Những phố vừa bán, vừa làm hàng tại chỗ như Hàng Thiếc, phố Lò Rèn thì cửa hàng ngay bên lối cửa chính ra vào, là một khung cửa vuông rộng, đặt giá bầy hàng. Đêm đến thì dùng những cánh cửa hình chữ nhật dài luồn qua rãnh ở khung cửa mà đóng vào...

Ga Hàng Cỏ
Ga Hàng Cỏ

Những mái phố lô xô, những căn gác hẹp với hàng hiên nhỏ xinh, chồng xếp bên nhau vừa thân thiết, vừa bí ẩn... Những con phố mặt tiền ấy đã vào tranh phố nổi tiếng của họa sỹ Bùi Xuân Phái. Đến bây giờ, nhớ phố cổ xưa chỉ cần ngắm một bức tranh của ông, là lòng dạ đã nao nao về bao hoài niệm rồi...

2. Người Hà Nội xưa, ra phố là quần áo phải chỉnh tề. Lên phố cổ không phải chỉ mua sắm mà còn để ngắm người nữa... Trước hết là những thiếu nữ Hà Nội vận những áo dài Lơ Muya, mà ngày đó gọi là lối ăn mặc tân thời (moderne)... những bà mệnh phụ mặc áo dài nhung, vận quần lụa đi hài thêu, son phấn nhã nhặn, ngồi xe tay, hoặc xe nhà lên phố. Khi xuống xe, cách lấy tiền trả phu xe, từng cử chỉ đều thanh lịch, pha một chút đài các...

Những quý ông thì vận âu phục mùa hè hoặc mùa đông, com-plê, cà-vạt, diện giầy dôn, đội mũ phớt hay bận nam phục, áo the đen, hoặc màu lam, trong là áo dài trắng, đi giầy Chi Long, hoặc giầy Gia Định, đầu đội chiếc khăn xếp đen phủ the sang trọng... nếu là ngày nắng hoặc ngày mưa, thì tay còn mang theo chiếc ô lục soạn nữa...

Lên phố cổ, để mua sắm, còn để “người ngắm người” học lấy cái thanh lịch của người Tràng An... Thỉnh thoảng lại gặp một vị trí thức người Hoa, có lẽ mới từ Trung Hoa sang, mặc áo xường xám, để ria mép, đi giầy, kiểu bây giờ còn gặp ở chân dung nhà văn Lỗ Tấn...

Phố Huế
Phố Huế

Những người dân lao động thì dù bận áo ngắn, áo dài, cũng lịch sự... tinh tươm. Thỉnh thoảng lại gặp một bác Hoa kiều nghèo, bán lục tào xá, hoặc phá xang (lạc rang), áo quần bình dân, cúc tết kiểu tầu, đội chiếc nón nan rộng vành, không lẫn vào đâu được.

Lên phố cổ là hòa vào cái chất Hà Nội đặc quánh từ con người, phố xá, cửa hàng, cửa hiệu, lời ăn tiếng nói của một chốn “kinh thành Hoa lệ”...

3. Chợ Đồng Xuân là chợ của phố cổ, từ mặt tiền khung nhà lớn một tầng, cao thoáng, lợp tôn, hài hòa với tất cả bốn mặt phố xung quanh... Chợ ở ngay trung tâm phố cổ, đầu phố Hàng Giấy...

Trong chợ có đủ mặt hàng của các làng nghề ở các vùng ngoại ô, và của tứ trấn, gồm các tỉnh, Bắc Ninh, Sơn Tây, Hà Đông, Hà Nam đổ về, mua gì cũng có...

Lại có những dãy hàng quà, mà đều là quà ngon cả, như hàng giò chả, bánh giầy, bánh giò, hàng bún chả, bún thang, bún ốc, bún riêu, hàng phở bò thì ở ngay cửa chợ vào... Rồi hàng khô, hàng cá, hàng rau quả...

Theo cha lên chợ Đồng Xuân, tôi thường được dẫn đi xem hàng cá vàng, chậu hoa, chim cảnh, rồi vào quán bún chả, gọi một mẹt, cha con cùng ngồi ăn... Cha tôi gọi thêm một chén rượu, nhâm nhi nhìn tôi ăn... Rồi người lấy xe, đạp lòng vòng qua các phố, qua Hồ Gươm, mua cho tôi một que kem, rồi cha con về nhà.

Phố cổ trong tranh Bùi Xuân Phái
Phố cổ trong tranh Bùi Xuân Phái

Những chuyến đi phố cổ ấy, như là một phần thưởng cha tôi ban cho các con. Chỉ ai học giỏi, được khen, hoặc ngoan, thì chủ nhật mới được đi chợ Đồng Xuân, đồng nghĩa với việc đi chơi phố cổ với Người...

Phố cổ xưa phố chợ, xe cộ, con người đồng bộ hài hòa... Bảo tồn phố cổ bây giờ, làm sao giữ được vẻ cổ kính xưa, lại vẫn là nơi trung tâm buôn bán, dạo chơi của người Hà Nội... Điều đó xem ra chọn được phương án tối ưu, cũng là chuyện đâu có dễ.

Ngô Văn Phú