Tân Chủ tịch VFF: "Không được tiết kiệm với bóng đá nữ nữa"

ANTĐ - Đầu tư hết sức có thể cho bóng đá nữ, phát triển đào tạo trẻ và chấn chỉnh mạnh mẽ Ban Trọng tài, là những tuyên bố đáng chú ý của ông Lê Hùng Dũng - người vừa trúng cử Chủ tịch VFF khóa VII (2014-2018).

PV: Chúc mừng ông đã trở thành Chủ tịch của VFF. Xin ông cho biết, việc đầu tiên ông muốn làm sau khi gánh trọng trách điều hành VFF là gì?

Ông Lê Hùng Dũng: Đó sẽ là chấn chỉnh ngay công tác trọng tài. Chỉ trong một hai tuần tới đây, ban này sẽ có những cải tổ mạnh mẽ. Với rất nhiều vấn đề tồn đọng nên sẽ không thể giải quyết một lúc, tôi chỉ chọn khâu đột phá nằm ở V-League là trọng tài và giám sát trận đấu. Nếu điều hành thiếu chính xác, thiếu minh bạch sẽ bị xử lý ngay. Ai không làm tốt, bị điều tiếng, chúng tôi sẽ không mời làm nhiệm vụ nữa. Chúng tôi cũng không sợ thiếu trọng tài, bởi nếu thiếu sẽ đôn trọng tài trẻ lên, thiếu nữa chúng tôi sẽ cân nhắc việc thuê hoặc trao đổi trọng tài với Liên đoàn bóng đá Malaysia, Singapore... 

Tân chủ tịch VFF tuyên bố sẽ cải tổ mạnh mẽ và chấp nhận "chịu đòn"


Đào tạo trẻ và bóng đá nữ được xem là điểm yếu của VFF nhiệm kỳ qua. Với tư cách người đứng đầu tổ chức này, ông có quyết sách gì cải thiện?

Trước tiên tôi nói về bóng đá nữ. Chúng ta đang đứng trước cơ hội lớn được dự World Cup và suốt thời gian qua, tôi cùng các anh trong liên đoàn đã bàn thảo, lên kế hoạch cùng với các phòng ban và HLV trưởng Trần Vân Phát để có sự chuẩn bị tốt nhất cho các tuyển thủ nữ. Sắp tới đội sẽ có chuyến tập huấn chất lượng tại Hàn Quốc, Trung Quốc. Có ý kiến đề xuất mua vé máy bay giá rẻ để tiết kiệm kinh phí, nhưng tôi nhất quyết bảo không và yêu cầu phải mua vé máy bay loại tốt nhất, lộ trình bay thuận tiện nhất và cả chỗ ăn, ở tại điểm tập huấn cũng phải đàng hoàng. Không được phép tiết kiệm như trước. Điều gì làm được cho đội tuyển nữ để giành vé World Cup 2015, chúng tôi sẽ làm hết sức mình. 

Còn về đào tạo trẻ. Thứ nhất, chúng tôi sẽ hợp tác với một CLB lớn của nước ngoài thuê về một HLV chuyên đào tạo trẻ. Sau đó, đưa các HLV trẻ của những đội chuyên nghiệp và hạng nhất về đào tạo. Về cầu thủ, chúng ta sẽ thuê chuyên gia từ Ajax, Liverpool, theo một chương trình đào tạo 2, 3 hay 4 năm. Mô hình thế nào, cơ sở làm sao, chế độ dinh dưỡng thế nào... chúng ta truyền đạt quy trình đó cho các HLV trẻ. Sau đấy, họ mới chính là người về các CLB và nhân rộng mô hình đó. Trên cơ sở đấy, lực lượng trẻ của chúng ta mới nâng cao chất lượng và là nền tảng cơ bản cho bóng đá Việt Nam trong 5 đến 10 năm tới.

Riêng về U19, đây là đội bóng có tiềm năng. Đội đang được tập huấn châu Âu dài hạn. Tôi nói với trưởng đoàn Dương Nghiệp Khôi (đang dẫn đội tập huấn) rằng, những trận thua vừa rồi trước các đối thủ mạnh là tốt cho các cầu thủ trẻ có cơ hội sửa chữa.

Bóng đá Việt Nam đang chịu ảnh hưởng bởi kinh tế suy thoái. Là một doanh nhân lại có nhiều năm làm Phó Chủ tịch tài chính cho VFF, ông có biện pháp cũng như mục tiêu gì về tài chính trong 4 năm tới?

Thời gian qua, trong vai trò Phó Chủ tịch tài chính, tôi đã làm hết sức để kiếm tiền về cho Liên đoàn, cho các ĐTQG. Nay vẫn vậy. Điều gì tốt nhất làm được cho bóng đá Việt Nam, tôi đã và sẽ tiếp tục làm. Tháng 4 này, các bạn sẽ thấy một hợp đồng rất lớn của một tổ chức tài chính rất lớn, tài trợ cho đội tuyển nữ. 

Hoặc như con số 383 tỷ đồng tôi dự kiến cho hoạt động của VFF trong một năm cũng được tính toán kỹ, có cơ sở. Tôi chia sẻ thêm, kinh phí khóa III khi tôi mới phụ trách có hơn 40 tỷ đồng thôi. Bây giờ nó lên tới hơn 300 tỷ đồng một năm, tăng khoảng gần 8 lần và tới đây sẽ tiếp tục tăng./.