Tân Bộ trưởng Tài chính: Chế độ cho người quản lý doanh nghiệp nhà nước phải… thật sòng phẳng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước mà lương thưởng vẫn theo barem thì không thể có người tài, chế độ thưởng phạt phải thật sòng phẳng.
ĐBQH Phan Đức Hiếu phát biểu thảo luận

ĐBQH Phan Đức Hiếu phát biểu thảo luận

Chiều nay, 29-11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Góp ý vào nội dung Điều 12 về quyền kinh doanh của doanh nghiệp tại dự thảo luật này, đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) cho rằng, cần xây dựng luật trên cơ sở doanh nghiệp được làm những gì mà pháp luật không cấm, hạn chế quy định cứng là khung quy định cho loại hình doanh nghiệp nhà nước.

“Đề nghị viết lại Điều này theo nguyên tắc doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh trong ngành nghề, lĩnh vực đã xác định trong Điều lệ và những gì pháp luật không cấm, không hạn chế” - đại biểu Hiếu đề xuất.

Với quan điểm này, ông Hiếu đề nghị Chương IV về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp trong Dự thảo cần được tuân thủ nguyên tắc chọn - bỏ, thay vì nguyên tắc chọn – cho.

Cụ thể, ông đề xuất chỉ có 2 hoạt động cần kiểm soát là quy định về bán vốn, bán tài sản và chuyển nhượng vốn. Việc đầu tư vốn vào doanh nghiệp là quy trình kinh doanh bình thường, vì có thể phát sinh thêm thủ tục.

Cùng đó, bổ sung thêm việc theo dõi, đánh giá và kiểm tra, xác định rõ nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn.

ĐBQH Hoàng Văn Cường

ĐBQH Hoàng Văn Cường

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) phản ánh, doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ khối lượng tiền vốn và tài sản rất lớn, trong các lĩnh vực quan trọng, nhưng hoạt động thường kém năng động, hiệu quả thấp hơn doanh nghiệp tư nhân.

Vì thế, cần thiết phải sửa căn bản luật này để tạo một cơ chế quản lý mới. Mục tiêu vừa tạo cơ chế thông thoáng, vừa quản lý có hiệu quả tiền vốn nhà nước theo nguyên tắc "ở đâu có tiền nhà nước đầu tư thì cũng phải có cơ chế theo dõi, quản lý tiền vốn ở đó".

Vị ĐBQH đoàn Hà Nội nêu quan điểm, việc xác định trách nhiệm người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là "một nhóm người" như dự thảo luật thì chưa phù hợp. Quy định như vậy sẽ không phát huy được vai trò của người đứng đầu, không xác định được trách nhiệm cá nhân nếu tiền vốn đầu tư vào doanh nghiệp bị thất thoát…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại phiên thảo luận

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại phiên thảo luận

Phát biểu vào cuối phiên thảo luận, tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng gửi lời cảm ơn các ĐBQH đã tin tưởng bầu ông vào vị trí Bộ trưởng Bộ Tài chính. Ông cam kết sẽ nỗ lực hết sức trong vai trò mới, trước mắt là tiếp thu tối đa, nghiêm túc các ý kiến đại biểu để nghiên cứu, hoàn chỉnh hồ sơ dự thảo luật này.

Đi vào nội dung cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, việc sửa đổi Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp để đảm bảo bình đẳng, gắn quyền và trách nhiệm với các nhà đầu tư khác theo thông lệ quốc tế.

Vì vậy, cần chấm dứt can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính vào đầu tư kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp, đảm bảo hoạt động theo đúng nguyên tắc thị trường.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của người đại diện vốn tại doanh nghiệp nhà nước. Theo ông, cần có cơ chế quản lý đánh giá, gắn với chế độ đãi ngộ và phải có công cụ cho họ làm việc.

Ông phân tích, nhân sự này rất vất vả. Nếu đưa ra cơ chế khắt khe, tiền lương thưởng vẫn theo barem, thang bậc chung thì không bao giờ thu hút được người tài và có người tài thì họ cũng phát huy hết năng lực.

Việc quản lý đánh giá phải rất khách quan, minh bạch. Doanh nghiệp làm ăn hiệu quả thì đánh giá hiệu quả dựa vào các chỉ tiêu lợi nhuận, doanh thu… cũng cần rõ ràng. “Làm tốt thì lương thưởng thế nào, nếu vượt lợi nhuận đặt ra thì mức lương thưởng có tăng lên hay không. Nếu không làm tốt thì mức độ nào cảnh báo, sa thải… thì mới sòng phẳng” – tân Bộ trưởng Tài chính nói.

Điểm thứ hai là người đại diện vốn tại doanh nghiệp nhà nước cần được trao đủ thẩm quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo, tương tự doanh nghiệp tư nhân.

“Người chỉ nhận mức lương bình thường họ chỉ đàm phán ở mức độ vừa phải thôi, vì có giảm nữa họ cũng không được gì. Trong khi ông chủ tư nhân luôn cố gắng đàm phán được mức giá tốt nhất. Chưa kể, lương thấp, không những không nỗ lực đàm phán mà có thể còn cài cắm, gửi giá” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ ra.