Tại sao Mỹ xảy ra nhiều vụ xả súng hàng loạt?

ANTĐ - Sau nhiều vụ xả súng gây chấn động, người dân Mỹ một lần nữa khiếp đảm trước thông tin về vụ xả súng kinh hoàng tại một hộp đêm dành cho người đồng tính ở Orlando hôm 12-6, làm 50 người thiệt mạng. Tại sao một nước Mỹ thịnh vượng và hùng mạnh nhất thế giới lại xảy ra nhiều vụ xả súng hàng loạt nhất thế giới?

Tại sao Mỹ xảy ra nhiều vụ xả súng hàng loạt? ảnh 1Cảnh sát điều tra hiện trường vụ xả súng tại hộp đêm ở Orlando

Chiếm 1/3 tổng số vụ toàn cầu

Một nghiên cứu mới được công bố cho thấy, nước Mỹ xảy ra nhiều vụ xả súng hàng loạt hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Trong khoảng thời gian từ năm 1966-2012 có tới 90 vụ xả súng hàng loạt tại Mỹ trong tổng số 292 vụ tấn công như vậy trên toàn cầu, tương đương 31%. Đó là chưa kể đến những vụ thanh toán băng đảng hay những vụ án mạng liên quan đến cái chết của nhiều thành viên trong gia đình. “Mọi người ít bất ngờ trước con số thống kê này”, Adam Lankford, nhà nghiên cứu về tội phạm học tại Đại học Alabama, người thực hiện phân tích trên cho biết. 

Lankford đã lục tìm hồ sơ của mỗi vụ xả súng và phát hiện một số yếu tố phổ biến trong các vụ tại Mỹ so với phần còn lại của thế giới. Đó là các vụ xả súng thường xảy ra tại nơi làm việc hay trường học ở Mỹ. Tại nước ngoài, những vụ như vậy hay xảy ra gần các cơ sở quân sự. Trong hơn một nửa các vụ xả súng tại Mỹ, kẻ tấn công có nhiều hơn một vũ khí, còn trên toàn cầu, tay súng thường chỉ mang theo một khẩu súng.

Tại Mỹ, mỗi vụ xả súng có trung bình 6,87 nạn nhân, trong khi tại 171 quốc gia mà Lankford nghiên cứu, trung bình có 8,8 nạn nhân mỗi vụ. Lankford cho rằng, sở dĩ tại Mỹ có ít người thiệt mạng hơn trong các vụ xả súng là vì cảnh sát Mỹ thường xuyên được huấn luyện cách giải quyết những vụ việc kiểu này cũng như phản ứng nhanh chóng và được trang bị tốt hơn. 

Hiện tượng mô phỏng lẫn nhau

Theo phân tích của trường Sức khỏe công cộng Harvard, những vụ tấn công như vậy tăng gấp ba lần từ năm 2011-2014. Nghiên cứu này chỉ ra rằng, trong thời gian đó, các vụ tấn công xảy ra trung bình sau 64 ngày. Trong 29 năm trước đó, trung bình cứ 200 ngày mới xảy ra một vụ. 

Một số nhà nghiên cứu tin rằng, có khả năng xảy ra hiện tượng bắt chước trong các vụ xả súng hàng loạt tại Mỹ. Lankford cho rằng, những kẻ thực hiện xả súng tại Mỹ có thể chỉ muốn nổi tiếng, và kẻ tấn công sau lại tìm cách sát hại nhiều nạn nhân hơn vụ trước. Theo ông, mối lo ngại hiện nay là những kẻ tấn công bắt chước nhau nhằm thu hút sự chú ý của truyền thông. 

Mặt khác tại Mỹ, người dân dễ tiếp cận với súng hơn so với các nước khác. Nước này cũng có nhiều súng hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới với khoảng 270-310 triệu khẩu súng đang lưu hành. Với 319 triệu dân, điều đó tương đương với việc mỗi người Mỹ sở hữu gần 1 khẩu súng.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, hơn 1/3 người Mỹ nói rằng thành viên trong gia đình họ sở hữu một khẩu súng. Trong khi đó, Ấn Độ có số vũ khí cao thứ hai thế giới, với 46 triệu khẩu súng, nhưng nước này không nằm trong top 5 quốc gia xảy ra nhiều vụ xả súng nhất thế giới. Theo một số phân tích, điều đó có thể liên quan tới các ca bệnh tâm thần - súng trong tay những kẻ tâm thần. 

Tại Australia, do người dân phản đối sở hữu súng cũng như nước này có luật sở hữu súng khắt khe nên từ năm 1997 không xảy ra vụ xả súng hàng loạt nào. Chính vì vậy sau các vụ xả súng gây chấn động, ngày càng có nhiều người dân Mỹ phản đối việc sở hữu súng.