Nguyễn Thị Dậu đầu thú sau hơn 20 ngày “mất tích”

Tài sản của “trùm nợ” đang ở đâu?

ANTĐ - Mới đây nhất, ngày 21-11, trùm nợ khét tiếng ở Hà Đông Nguyễn Thị Dậu đã ra đầu thú. Số chủ nợ của Nguyễn Thị Dậu cho đến thời điểm này là lên tới 52 người, song số tài sản mà cơ quan công an tạm thời kê biên chẳng đáng gì so với khoản nợ kếch xù lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Lực lượng chức năng hết sức vất vả để đảm bảo trật tự trước việc

chủ nợ bao vây, đập phá nhà Nguyễn Thị Dậu tối 2- 11

Sinh năm 1963, tuổi Mão, đứng hàng chữ Quý, theo âm lịch, Nguyễn Thị Dậu năm nay đúng tuổi 49, cái tuổi vốn bị tử vi xem là “kỵ”.“Kinh doanh” từ năm 2009, được biết đến như những “tỷ phú” mới nổi của đất Hà Đông, lúc nào cũng sẵn sàng tiền tỷ trong người, rồi “đuổi đi không hết” những người mang tiền đến… xin được cho vay, vậy mà, bà Dậu đã “ngã” đúng vào cái tuổi “xung” của mình.

Kinh hoàng chủ nợ

“Tín dụng đen” và những hệ lụy của việc thanh toán không sòng phẳng của nó mà mới nghe đến cụm từ này nhiều người đã phải rùng mình. Nhưng nếu như trực tiếp chứng kiến cảnh hàng chục chủ nợ bao vây nhà con nợ Nguyễn Thị Dậu ở số 5 phố Nguyễn Thái Học, quận Hà Đông thì mới cảm nhận được hết sự “khủng khiếp” của tín dụng đen. 18h ngày 2-11, đồng nghiệp nhắn tin qua điện thoại: “Bà Dậu bỏ trốn rồi. Các chủ nợ đang vây nhà, đập phá”. Đường Nguyễn Trãi ngày hôm đó vốn đông lưu lượng phương tiện, nhất là giờ tan tầm. Nhưng sự đông đó chưa thấm vào đâu so với khu vực ngã ba Nguyễn Thái Học - Quốc lộ 6, lối vào nhà bà Dậu. Ngót nghét nghìn người, cả chủ nợ và những người hiếu kỳ, chen đặc toàn bộ lòng đường Nguyễn Thái Học, tràn ra Quốc lộ 6. Chỉ huy CAQ Hà Đông hôm đó, suốt từ 3h chiều, đã phải huy động toàn bộ đội ngũ bảo vệ dân phố, dân phòng, CSTT của các phường trên địa bàn, phối hợp cùng các đội nghiệp vụ CAQ để đảm bảo công tác trật tự, xử lý những người quá khích. Một chiếc xe bán tải của công an phường được huy động, chắn ngay trước cửa ngôi nhà “trùm nợ” Dậu.

Tâm điểm của sự tụ tập biển người ấy là ngôi nhà số 5 đang bị khóa kín cổng sắt. Trước đó cả nửa tháng trời, khi bà Dậu còn “cố thủ” trong nhà, nào là vòng hoa, mắm tôm, phân, máu chó, rồi các dòng chữ chửi bới lúc nào cũng thường trực quanh địa chỉ này. Khi biết tin Dậu “mất tích”, chủ nợ thông tin nhau kéo đến, đập phá tan hoang toàn bộ mặt tiền rồi tìm cách đột nhập vào trong để xem còn gì “vơ vét” được. Những có lẽ vô ích. Hì hụi nhiều tiếng đồng hồ ra vào nhà Dậu bằng lối… sân thượng của các hộ liền kề, một số chủ nợ may mắn nhất cũng chỉ lấy được bộ sa-lon cũ nát. Nghe đâu, cả bloc của máy điều hòa cũng đã bị bà Dậu gỡ trước khi đánh bài chuồn. Mãi đến gần 24h đêm hôm đó, đám đông mới chịu giải tán. Địa chỉ số 5 phố Nguyễn Thái Học tạm yên 1 ngày sau đó, khi CQĐT tiến hành kê biên, niêm phong tài sản.

Chỉ còn 2 đồng xu trong két sắt

 Là phóng viên đầu tiên được CQĐT đồng ý cho tiếp cận Nguyễn Thị Dậu ngay hôm “trùm nợ” ra đầu thú (sáng sớm ngày 21-11), tôi có đủ thời gian để quan sát, ghi nhận diễn biến tâm lý, thái độ của người đàn bà tuổi Quý Mão này. “Trùm nợ” im lặng đến mức… lỳ lợm. Hỏi sức khỏe, hỏi thời gian qua đi đâu, có sợ bị chủ nợ tìm thấy không, Dậu chỉ trả lời bằng cách…lắc đầu và xua tay. Dậu được người nhà đưa đến địa chỉ số 7 Thiền Quang đầu thú cùng túi nilon cũ đựng đầy quần áo. Ngay sau đó, Dậu được bàn giao sang Văn phòng cơ quan CSĐT- 55 Lý Thường Liệt- để xử lý theo thẩm quyền. Hơn 20 ngày “mất tích” trong sự cay cú của các chủ nợ và sự truy lùng gắt gao của lực lượng công an, Nguyễn Thị Dậu có lẽ đã đủ thời gian để chọn giải pháp “an toàn” cho mình đó là đến cơ quan công an đầu thú, thay vì cứ chui lủi bên ngoài, phải trốn tránh sự rình rập, truy lùng ráo riết của các chủ nợ. Và trong tình cảnh không còn một xu dính túi, trùm nợ này đã không còn đường lùi nào khác là ra đầu thú.

Được biết Dậu không đầu tư, kinh doanh gì nhưng huy động một số lượng vốn rất lớn. So với các con nợ bị công an Hà Nội bắt trước đó, Dậu “kinh doanh” kém nhất. Vụ Quang- Quyên ở thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng - vợ chồng này là giám đốc công ty kinh doanh vàng bạc và dịch vụ về ô tô. Vụ vỡ nợ ở Phú Xuyên, con nợ Cúc cũng từng đầu cơ vàng, và cho đến khi vỡ nợ cũng kịp sở hữu gần chục mảnh đất ở Phú Xuyên, trong đó  có mảnh ngót nghét 1.000 m2. Cơ quan chức năng kê biên, xác định tài sản của Nguyễn Thị Dậu chỉ có ngôi nhà 7 tầng (mặt sàn diện tích chỉ vài chục m2) ở phố Nguyễn Thái Học - Hà Đông; 1 ngôi nhà diện tích 101m2 cũng ở quận Hà Đông; cùng 2 mảnh đất được một “đối tác” của Dậu tên là T. thế chấp. Quá trình khám xét khẩn cấp nơi ở của Dậu, CQĐT  tìm thấy được 1 chiếc két sắt bên trong có… 5 chiếc chìa khóa và 2 đồng xu của Hongkong mệnh giá 1 đồng. Bản thân Dậu hôm ra đầu thú không mang theo tài sản có giá trị và bước đầu khai nhận không còn đồng nào. Việc Nguyễn Thị Dậu có còn tài sản hay không cơ quan công an đang tiếp tục làm rõ.

Vay người mới để… trả cho người cũ

Cho đến cuối ngày 23-11, CQĐT “chốt” danh sách 52 người đã cho Nguyễn Thị Dậu vay tiền. Khám xét nơi ở của Dậu, cơ quan công an cũng tìm thấy quyển sổ thể hiện danh sách trên, cho thấy việc Dậu vay - trả tiền diễn ra từ khoảng năm 2009. Theo đó, số tiền Dậu vay khoảng 139 tỷ đồng, 10.000 USD và 31 cây vàng. Tuy nhiên hiện tại mới chỉ có 31 người làm đơn và trực tiếp đến cơ quan công an trình báo việc cho Dậu vay tiền, tổng cộng 46 tỷ đồng. Cách thức huy động vốn của Dậu là bắt đầu từ chính những người thân, quen, bạn bè, rồi mở rộng cả những người bán rau, bán nước, “xe ôm”. Như nhiều đường dây, đối tượng “tín dụng đen” khác, ban đầu, Dậu hứa hẹn và trả lãi suất cao, đúng hẹn. Vì không đầu cơ, kinh doanh gì nên tiền trả lãi được Dậu… lấy từ tiền vay của người mới trả cho người cũ. Một chủ nợ khi đến CQĐT tường trình đã không giấu được sự uất ức: “Tôi chơi với nó từ hơn 20 năm nay, vậy mà cũng bị lừa hơn 700 triệu. Từ ngày nó tuyên bố vỡ nợ, tôi phải bỏ mọi công việc ra bán trà đá, để vừa trả nợ, vừa xem nó có trốn không. Anh trai tôi cho nó vay tiền, bây giờ cũng phải bán nhà cửa để trả nợ”.

Theo thông tin chúng tôi nắm được, trong số những cá nhân đã cho Dậu vay tiền nhưng vẫn chưa đến trình báo cơ quan công an, có một cá nhân đã “đầu tư” tới hơn 40 tỷ đồng. Cá nhân này được hưởng lãi suất mỗi ngày khoảng 3.000 đồng đối với 1 triệu đồng cho vay. Đây được xem là cá nhân được hưởng lãi suất cao, bởi tùy từng trường hợp hoặc tùy theo số tiền vay, Dậu chỉ trả lãi khoảng 2.000 đồng cho 1 triệu đồng vay mỗi ngày. Theo tính toán của CQĐT cũng như lời khai ban đầu của Dậu, mỗi tháng “trùm nợ” phải trả lãi khoảng trên 4 tỷ đồng. Một nguồn tin đáng chú ý đang được CQĐT xác minh, là phần lớn số tiền đi vay, Dậu đem cho người khác vay tiếp.

Nguyễn Thị Dậu ra đầu thú, và CQĐT đang hoàn tất hồ sơ, tạm giam “trùm nợ” về hành vi lạm dụng tín nhiện chiếm đoạt tài sản. Nguyễn Thị Dậu sẽ không thoát được gánh nợ cả trăm tỷ đồng, nhưng trong vụ án này, điều rút ra chính là câu đúc kết của người xưa: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Nếu các chủ nợ không ham, không tham, thì đã chẳng rơi vào cảnh trắng tay như bây giờ.