Tái cơ cấu nền kinh tế không phải là gói cứu trợ

ANTĐ - Chiều 21-5, Quốc hội đã nghe Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, với 12 nhóm giải pháp tái cơ cấu. Trước mắt, Chính phủ kiến nghị tập trung vào tái cơ cấu hệ thống các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính cũng như đầu tư công và DN Nhà nước. 

Phân tích các mặt khó khăn khi triển khai, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, tái cơ cấu kinh tế là nhiệm vụ vừa cấp bách trước mắt, vừa cơ bản lâu dài, phải thực hiện trong nhiều năm liền. Có thể phải hy sinh tốc độ tăng trưởng để đổi lấy chất lượng tăng trưởng. Trong những năm trước mắt, tốc độ tăng trưởng có thể không cao như kế hoạch, thậm chí thấp hơn so với trước. Đây là thách thức không nhỏ trong bối cảnh tư duy, quán tính theo đuổi tốc độ và cách thức tăng trưởng theo chiều rộng vẫn còn khá phổ biến. 

Ngoài ra, tái cơ cấu kinh tế có thể tác động không thuận đến một số nhóm người có liên quan, làm phát sinh một số chi phí xã hội cần được bù đắp. Đại diện Chính phủ nêu rõ, tái cơ cấu không phải là gói cứu trợ để vượt qua khủng hoảng. Vì vậy, xét trên tổng thể, nó không làm tiêu hao nguồn lực của xã hội. Tuy vậy, đối với tái cơ cấu trên một số lĩnh vực và một số đối tượng liên quan, đòi hỏi những chi phí nhất định.

Đặc biệt, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh dự báo, hệ quả trước mắt có thể dẫn tới hàng nghìn dự án đầu tư, nhất là đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước, có thể phải đình hoãn. Hàng chục nghìn DN, nhà đầu tư có thể  bị thua lỗ, một phần vốn đầu tư của họ có thể không thu hồi được. Nhiều DN yếu kém, sức cạnh tranh thấp phải đóng cửa, giải thể hoặc phá sản... Vì vậy, cần phải có giải pháp cần thiết để bù đắp hợp lý lợi ích chính đáng cho các bên liên quan, nhất là nhóm những người lao động, nhóm những người yếu thế, dễ bị tổn thương khác. 

Thẩm tra đề án, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần lượng hóa giải pháp được tính toán bằng kết quả như một “bài toán” mới làm rõ tính khả thi và thuyết phục hơn. Nhiều ý kiến nhấn mạnh, việc tính toán chi phí để thực hiện tái cơ cấu là hết sức cần thiết trong điều kiện nguồn lực bị hạn chế hiện nay.