Tắc nghẽn đường xuất khẩu sang Trung Quốc, trái cây “hạ giá” tràn xuống vỉa hè, lòng đường Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Dưa hấu, thanh long, mít Thái giá chỉ khoảng 10.000 đồng/kg đang được đổ đống bán lẻ tại nhiều tuyến phố cửa ngõ ra vào thành phố Hà Nội do không xuất khẩu được sang Trung Quốc.
Mít thái, dưa hấu "tràn" xuống vỉa hè, giá "rẻ như cho"

Mít thái, dưa hấu "tràn" xuống vỉa hè, giá "rẻ như cho"

Gần 21 giờ ngày 20-12, tại phố Cương Kiên (Trung Văn- Nam Từ Liêm), một nhóm thanh niên vẫn bán mít Thái và dưa hấu trên vỉa hè. Anh Nguyễn Văn Minh (người bán mít) cho hay: “Đây đều là hàng từ các tỉnh phía Nam chuyển ra, nhưng do tắc nghẽn đường vận chuyển sang Trung Quốc nên chúng tôi dừng lại, bán tại đây được đồng nào hay đồng đó. Nghe nói giờ này lên đến khu vực tỉnh Lạng Sơn thì không thông quan được, cũng không quay lại được”.

Theo anh Minh, chuyến này có hàng tấn mít, nhóm của anh đã bán tại tuyến phố này được 5 ngày nhưng hàng vẫn còn rất nhiều. Gần đó, ngoài những quả mít nặng hàng chục kg chưa bổ là cả đống mít đã bổ phải vứt bỏ vì không ngon, khách trả lại. Giá bán rất rẻ chỉ 12.000 đồng/kg. “Chúng tôi bổ ngay tại chỗ, quả nào ngon thì khách lấy 1 miếng nhỏ hay nửa quả cũng bán, quả không ngon bổ ra rồi vứt đi ngay. Có nhiều khách lấy cả 2-3 quả về biếu tặng vì giá quá rẻ. Vậy mà không biết khi nào mới bán hết”- anh Minh rầu rĩ.

Trong khi đó, tại đường gom đại lộ Thăng Long, đoạn chân cầu vượt Lê Quang Đạo, anh Trần Văn Ba cùng một nhóm bạn cũng đang bán “dưa hấu Sài Gòn”, giá 10.000 đồng/kg. “Giờ muộn rồi chúng tôi vẫn bán hàng vì còn lác đác người mua. Chúng tôi cũng ăn ở luôn tại đây nên còn khách là còn bán, mong thu hồi được một phần vốn”- anh Ba cho hay.

Tuy nhiên, anh Ba cho hay, do thời tiết Hà Nội đang khá lạnh nên dù giá rẻ, dưa đỏ ngọt nhưng bán vẫn rất chậm, ngày nhiều chỉ được vài tạ.

Do nhiều loại trái cây không thể xuất khẩu sang Trung Quốc ở thời điểm hiện tại nên nhiều chủ hàng đã tìm cách tiêu thụ bớt tại thị trường trong nước. Kéo theo đó, nhiều loại trái cây thời vụ tại miền Bắc cũng "hạ giá" để cạnh tranh như: ổi 15.000- 17.000 đồng/kg; bưởi ngọt 8.000 đồng/quả nhỏ, 15.000 đồng/quả to... Khi người tiêu dùng có nhiều lựa chọn thì việc tiêu thụ mít Thái hay dưa hấu lại thêm khó khăn.

Thông tin tại buổi làm việc giữa Bộ NN&PTNT với UBND tỉnh Lạng Sơn chiều 20-12 cho biết, hiện còn gần 5.000 xe hàng, chủ yếu là nông sản hiện đang ùn tắc tại khu vực cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn. Đáng chú ý, hiện chỉ còn cửa khẩu Hữu Nghị thông quan khiến lượng hàng tồn này khó xuất được sang Trung Quốc trong một vài ngày tới.

Khảo sát của Hiệp hội Rau quả Việt Nam ngày 20-12 cũng cho biết, ngoài các xe đã tập kết tại bãi khu vực cửa khẩu, xe hàng còn nối dài trên tuyến đường lên các cửa khẩu kéo dài hơn 10km. Các xe này cũng không thể quay đầu buộc tài xế phải ăn ở, chờ đợi ngay trên đường.

Trước tình trạng này, nhiều doanh nghiệp vận tải đề nghị, các địa phương cần thông báo cho doanh nghiệp trên địa bàn không đưa hàng lên biên giới nữa vì “tiến thoái lưỡng nan”, nếu để người dân, doanh nghiệp tự phát thì tình hình không được cải thiện.

Đồng thời, các địa phương cần kết nối tiêu thụ nông sản trong nước, nhất là khi dịp lễ Tết cuối năm đang đến gần, nhu cầu tiêu dung của người dân tăng lên. Trong đó, các siêu thị, các chợ, hệ thống bán lẻ cần được huy động vào cuộc để tiêu thụ hàng hóa, nông sản cho nông dân.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần đầu tư chế biến rau quả, nông sản để xuất khẩu sang thị trường khác, tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc cũng như góp phần làm gia tăng giá trị cho nông sản, tránh cảnh phải vứt bỏ vì không tiêu thụ được.

Phản ánh từ một số hiệp hội ngành hàng cho thấy, tắc nghẽn hàng hóa khu vực cửa khẩu kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, rau quả tươi mà còn ảnh hưởng đến một số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Ngoài các linh kiện nhập khẩu qua đường biển, đường hàng không, các doanh nghiệp này vẫn nhập linh kiện sản xuất qua đường bộ, cụ thể là các cửa khẩu đường bộ. Chỉ cần thiếu 1 linh kiện là cả quá trình sản xuất đều bị ảnh hưởng. Một số doanh nghiệp như: Samsung, LG cho hay đã phải rời kế hoạch ra mắt sản phẩm mới vào đầu năm 2022 do không đủ linh kiện sản xuất.