Sức mua rất đáng lo ngại

ANTĐ - Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5-2013 với trạng thái âm 0,06%. Đây là tháng thứ hai liên tiếp, chỉ số CPI giảm. PV Báo ANTĐ đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh xung quanh vấn đề này.

Kéo sức mua là việc cần làm ngay

- PV: Ở thời điểm công bố CPI của một số địa phương, trong đó có Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cách đây vài ngày, đã có ý kiến cho rằng giảm phát đã xuất hiện tại Việt Nam. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- TS. Lê Đăng Doanh: Hiện tượng CPI âm ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh trong tháng 5 này do một số nguyên nhân. Do sức mua đã giảm rõ rệt nên giá hạ xuống; do giá xăng đã giảm 2 lần khiến các dịch vụ vận tải chi phí không tăng; tín dụng không giải ngân được nên nền kinh tế đói vốn, “người khát không được uống”. Dấu hiệu chỉ số lạm phát âm cũng có một mặt do chính sách tín dụng tiền tệ chặt chẽ, nhưng điều cơ bản là do sức mua giảm, đầu tư giảm. Tôi cho rằng đây là vấn đề đáng quan ngại. Tôi chưa dám nói nền kinh tế Việt Nam đi vào giảm phát. 

- Vậy khi nào có thể khẳng định nền kinh tế Việt Nam xuất hiện giảm phát, thưa ông?

- Giảm phát là 3 tháng liên tiếp CPI giảm, và mức giảm rõ rệt. Ở đây, mới có 2 tháng CPI cả nước giảm và mức giảm rất thấp. Một con số sau dấu phẩy hay 2 con số thì vẫn nằm trong sai số của phương pháp tính toán. Tôi chỉ khẳng định sức mua hiện đang rất kém.

- Nhiều ý kiến cho rằng, giảm phát đáng lo ngại hơn lạm phát. Vậy giảm phát sẽ ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế?

- Nếu mức giảm mạnh chứng tỏ nền kinh tế trì trệ, sức mua kém, không có đầu tư và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Vòng quay của đồng tiền giảm.

- Theo ông đâu là giải pháp cho tình trạng sức mua kém hiện nay?

- Theo tôi, các biện pháp cần làm thì Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo hết rồi. Quan trọng nhất hiện tại là phải xử lý nợ xấu và hàng tồn kho. Muốn vậy phải kích thích nhu cầu của người dân bằng cách giảm thuế cho doanh nghiệp hoạt động được. Khi đó, doanh nghiệp tạo được công ăn việc làm, người dân mới có tiền để mua hàng hóa, thúc đẩy sản xuất. 

Tổng cục Thống kê vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 5 giảm 0,06% so với tháng 4. Đây là tháng thứ hai từ đầu năm, CPI ở trạng thái âm. Trong đó, 4/11 nhóm hàng trong rổ tính CPI cùng giảm. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống trong tháng 5 giảm tiếp 0,35% so với tháng trước. Nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng; giao thông và bưu chính viễn thông tiếp tục giảm với mức lần lượt là 0,53%; 0,57% và 0,07% so với tháng 4. Nhóm giao thông giảm 0,57% là do giá xăng dầu điều chỉnh giảm trong thời gian qua. Có 7 nhóm hàng tăng giá. Trong đó, mức tăng của các nhóm liên quan đến chi tiêu gia đình nhưng không phải hàng thiết yếu đều khá thấp, thể hiện sức mua yếu trên thị trường. Trong tháng qua, nhóm ăn uống ngoài gia đình có tăng nhưng cũng rất nhẹ, chỉ 0,32%. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng khá mạnh, ở mức 1,58%. Như vậy, 5 tháng đầu năm nay, CPI cả nước mới tăng 2,35% so với tháng 12-2012.