Sửa quy định số lượng biên chế cấp phường khi thực hiện chính quyền đô thị

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ Nội vụ đề xuất quy định số lượng biên chế công chức làm việc tại UBND phường ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng được xác định theo quy mô dân số của phường.
Đề xuất tăng biên chế công chức cấp phường theo quy mô dân số

Đề xuất tăng biên chế công chức cấp phường theo quy mô dân số

Bộ Nội vụ đang xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.

Tại dự thảo tờ trình, Bộ Nội vụ cho biết với mức bình quân biên chế công chức phường theo quy định hiện hành là 15 người, các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng không chủ động điều chỉnh được số lượng biên chế công chức phường giữa các quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố.

Trong khi đó, quy mô dân số và khối lượng công việc giữa các phường không đồng đều. Chẳng hạn, ở TP.HCM, phường có dân số thấp nhất là An Lợi Đông (TP Thủ Đức) với 1.215 người trong khi phường có dân số cao nhất là Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) với 125.894 người.

Từ đó, Bộ Nội vụ đề xuất, số lượng biên chế công chức làm việc tại UBND phường được xác định theo quy mô dân số của phường. Thời điểm xác định quy mô dân số của phường là ngày 31/12 của năm trước liền kề năm trình HĐND thành phố Hà Nội quyết định biên chế.

Cụ thể, số lượng biên chế công chức làm việc tại UBND phường ở Hà Nội được đề xuất xác định như sau:

Phường thuộc quận có từ 15.000 dân trở xuống được tính 15 biên chế công chức; có trên 15.000 dân thì cứ thêm 5.000 dân được tăng thêm 1 biên chế công chức.

Phường thuộc thị xã có từ 5.000 dân trở xuống được tính 15 biên chế công chức; có trên 5.000 dân thì cứ thêm 2.500 dân được tăng thêm 1 biên chế công chức.

Việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức làm việc tại UBND phường thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và quy định tại Nghị định số 138/2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.

Đối với chức danh Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự phường ở Hà Nội, việc tuyển dụng, bổ nhiệm thực hiện theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 23 Luật Dân quân tự vệ và văn bản hướng dẫn thi hành. Quyết định bổ nhiệm đồng thời là quyết định tuyển dụng công chức đối với trường hợp chưa phải là công chức.

Đối với các chức danh Chủ tịch phường, Phó Chủ tịch phường, trường hợp nhân sự dự kiến bổ nhiệm là người hoạt động không chuyên trách thì phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm và phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục tiếp nhận, bổ nhiệm quy định tại Nghị định của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. Quyết định bổ nhiệm đồng thời là quyết định tiếp nhận công chức.

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ đề xuất, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở phường được xác định theo phân loại đơn vị hành chính của phường và dân số tăng thêm so với tiêu chuẩn về quy mô dân số của phường.

Cụ thể, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở phường được xác định như sau: Tính theo phân loại đơn vị hành chính của phường: Loại 1 có không quá 14 người; loại 2 có không quá 12 người; loại 3 có không quá 10 người;

Tính theo dân số tăng thêm: Phường thuộc quận có trên 15.000 dân thì cứ thêm 5.000 dân được tăng thêm 1 người hoạt động không chuyên trách; phường thuộc thị xã có trên 5.000 dân thì cứ thêm 2.500 dân được tăng thêm 1 người hoạt động không chuyên trách.

Người hoạt động không chuyên trách ở phường được hưởng chế độ phụ cấp, chế độ bảo hiểm xã hội và chế độ bảo hiểm y tế. Ngân sách nhà nước thực hiện khoán quỹ phụ cấp, bao gồm cả hỗ trợ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế để chi trả hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở phường với mức khoán quỹ phụ cấp bằng 1,5 lần mức lương cơ sở trên 1 người.