Sự trở về của những nhà văn Việt ở nước ngoài

ANTĐ - Vài năm trở lại đây, nhiều nhà văn hải ngoại đã xuất hiện trở lại thị trường văn học Việt Nam tạo nên một luồng gió mới cho nền văn học trong nước, mặc dù gặp phải những khó khăn nhất định trong việc tiếp cận với khán giả Việt Nam. 

Sự trở về của những nhà văn Việt ở nước ngoài ảnh 1

Sách của nhà văn Thuận được độc giả Việt Nam đón nhận khá tích cực

Số phận truân chuyên

Anna Moi Trần Thiên Nga là một trong những nhà văn Việt Nam nổi bật trong cộng đồng văn học Pháp ngữ. Sau một thời gian dài sinh sống và làm việc tại Pháp với vai trò là nhà tạo mẫu, năm 1992, chị quyết định quay về TP.HCM để bắt đầu sự nghiệp sáng tác. Cho đến nay, chị sở hữu 8 tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết và ký bằng tiếng Pháp, trong đó tác phẩm “Lúa đen” (Riz noir).

Tác phẩm kể về những ngày tháng bi thương của 2 cô gái, 1 người trong đó là bạn học phổ thông của chị khi bị giam giữ và tra tấn tại nhà tù Côn Đảo những năm 1960 của thế kỷ trước. Tác phẩm này khi ra đời đã tạo nên tiếng vang và khiến tên tuổi nhà văn gốc Việt được biết đến nhiều hơn trong giới văn chương Pháp. 

Không có bề dày sáng tác như Anna Moi, nhưng nhà văn Mây Hồng (Nuage Rose) với chỉ một tác phẩm “Ba áng mây trôi dạt xứ bèo” đã nhận được giải thưởng Tác phẩm được yêu thích nhất của NXB Hội Nhà văn Pháp năm 2013, đồng thời được giới thiệu tại nhiều hội chợ sách tại Pháp, Bỉ, Thụy Sỹ… 

Do nhiều năm sống ở nước ngoài nên các nữ nhà văn này có số phận khá long đong.    Đây chính là sợi dây kết nối và là nguồn chất liệu để họ sáng tác. Lệ Tân Sitek (Bùi Lý Lệ Tân) là một trong những người như thế. Nữ nhà văn, kiến trúc sư này là con gái của 2 lão thành cách mạng từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh dìu dắt.

Nữ nhà văn kết hôn với người chồng Ba Lan và trải qua cuộc đời hơn 70 năm ở 4 đất nước là Trung Quốc, Việt Nam, Ba Lan, Na Uy. Đến năm 2013, bà quyết định từ Na Uy về Việt Nam để giới thiệu 2 cuốn sách “Một mình trên đường” và “Ngã ba đường” kể về chính cuộc đời mình. Ngay lập tức, 2 cuốn sách đã được giới chuyên môn đánh giá cao và độc giả trong nước hưởng ứng.

Tác giả Lệ Tân Sitek đã tự chuyển ngữ tác phẩm của mình khi về Việt Nam

Khó tiếp cận độc giả Việt 

Các tác phẩm của các nhà văn sống ở nước ngoài đã góp phần lớn vào việc giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới nhưng việc đưa về nước lại gặp khá nhiều khó khăn. Không kể đến trường hợp của Lệ Tân Sitek, người đã rút ngắn con đường xuất bản bằng cách trực tiếp dịch và chuyển ngữ cuốn sách bằng tiếng Ba Lan của mình ra tiếng Việt, thì không nhiều tác phẩm của các nữ tác giả ghi dấu ấn trên thị trường văn học viết.

Nhà văn Mây Hồng cho biết, mới đây có một nhà xuất bản đề nghị xuất bản tác phẩm “Ba áng mây trôi dạt xứ bèo” bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, việc xuất bản vẫn trong quá trình thương thảo và nhanh nhất cũng phải cuối năm 2016 cuốn sách này mới được ra mắt công chúng. Đáng nói, tác phẩm này đã được giới văn học Pháp thừa nhận từ cách đây 3 năm.

Vấn đề bản sắc và hội nhập cũng là rào cản khiến cho nhiều tác phẩm nổi danh ở các thị trường sách trên thế giới nhưng lại gần như không được bạn đọc Việt Nam biết đến. Các tác phẩm của Anna Moi Trần Thiên Nga mặc dù hướng về quê hương và khai thác những vấn đề của Việt Nam đương đại  nhưng chưa được dịch sang tiếng Việt. Và thế là, dù đã có trong tay một số lượng tác phẩm tương đối lớn, nhưng những tác phẩm của chị vẫn chỉ thành công ở Pháp và độc giả thường biết đến chị như một tác giả người Pháp hơn là một nhà văn gốc Việt. 

“Lúa đen” tác phẩm của Anna Moi được nhà xuất bản Gallimard ấn hành

Văn học Việt Nam ở nước ngoài có thể khó tồn tại nếu chỉ hướng tới độc giả nước ngoài, bởi sự ủng hộ của độc giả trong nước cũng là thước đo quan trọng cho sự thành công của các tác giả. Thuận - nhà văn vốn sống ở Pháp với một loạt những tác phẩm như “Phố Tầu”, “Made in Vietnam”, “T.mất tích” hay “Thang máy Sài Gòn”… đã được xuất bản tại Việt Nam, là một minh chứng cho điều này.

Sự đón nhận của công chúng đối với một nữ nhà văn có lối viết lạ và nhiều đột phá như Thuận cho thấy cơ hội vẫn rộng mở cho những nhà văn hải ngoại ở thị trường trong nước. Gạt qua rào cản về ngôn ngữ, thì có thể khẳng định, sự toàn cầu hóa trong văn học đang khiến cho Việt Nam thu hút trở lại những tác phẩm văn học từ chính những nhà văn Việt ở nước ngoài và sự hiện diện của họ đóng góp đáng kể cho diện mạo văn chương trong nước. Vấn đề là thị trường xuất bản có sẵn sàng và cởi mở tiếp nhận những nhân tố mới này hay không mà thôi.