Sư thầy một mình nuôi 6 trẻ bị bỏ rơi

ANTĐ - Hình ảnh sư thầy trẻ tuổi với dáng người gầy nhỏ tự tay cho từng cháu bé bú sữa, ăn cháo, rồi một tháng một đôi lần lặn lội mấy chục cây số ra các bệnh viện Hà Nội đưa các con đi khám bệnh cứ ám ảnh chúng tôi mãi. Tôi luôn băn khoăn câu hỏi, với một gia đình có cha, mẹ, thậm chí có ông, có bà, có người giúp việc… nuôi một đứa trẻ cũng đã vất vả, vậy mà một mình sư thầy, xoay sở với 6 đứa trẻ, có đứa mới vài tháng tuổi, lại không phải máu mủ của mình, không biết sẽ thế nào? Có lẽ, chỉ tình yêu, lòng nhân hậu cao cả mới có thể lý giải được cho những việc làm của thầy.

Thương bé trai bị bỏ rơi ở cổng chùa liên tục phải nằm viện

Lần gần đây nhất tôi gặp sư thầy Thích Đàm Thảo (chùa Thái Ân, thôn Bùi Xá, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội) trong một ngày đông rét cắt da cắt thịt. Hôm ấy, thầy mang 2 cháu nhỏ mà nhà chùa nhận nuôi là Tịnh Tâm và Tâm Phúc vào bệnh viện khám và điều trị. Chỉ vào Tịnh Tâm, cô bé 10 tháng tuổi, thầy bảo: Tịnh Tâm rất ngoan, cứng cáp và nhanh nhẹn nhưng chỉ có điều ăn mà không thấy lớn, 10 tháng tuổi mà bé nặng có 7kg. Vì vậy hôm nay nhân đưa Tâm Phúc vào bệnh viện điều trị, thầy cho Tịnh Tâm đi khám luôn xem có vấn đề gì không. 

Bé Tâm Phúc mới 7 tháng tuổi nhưng số ngày ở chùa có lẽ ít hơn số ngày đi khắp các bệnh viện, từ Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Tai Mũi Họng… Tâm Phúc bị bỏ lại cổng chùa từ khi mới lọt lòng, vẫn còn nguyên cuống rốn. Lúc đó, nhiều người khuyên thầy thôi, không nên đưa bé đến viện nữa vì có đưa đi viện, khả năng sống cũng rất ít vì bé chỉ nặng có 1,6kg, người tím tái gần như không còn cơ hội sống. Nhưng là người nhà Phật, không thể nhìn thấy vậy mà không cứu nên thầy vẫn quyết bắt xe đưa Tâm Phúc ra Bệnh viện Nhi Trung ương. Kỳ lạ thay, sau 23 ngày nằm trong lồng kính và thêm 9 ngày điều trị, Tâm Phúc đã khỏe mạnh trở lại và được bác sĩ cho ra viện. Nhưng có lẽ do sức khỏe kém, lại thiếu sữa mẹ nên Tâm Phúc cứ ốm đau liên miên. Về chùa chưa đầy 1 tháng thì bé lại phải nhập viện vì viêm phổi. Kể từ đó đến nay, dù say xe mỗi lần đi lại rất mệt nhưng thầy cũng không nhớ nổi đã phải đưa Tâm Phúc đi viện bao nhiêu lần, đa phần là các bệnh về đường hô hấp. Lúc 3 tháng tuổi, Tâm Phúc cứ ăn vào lại nôn ra, điều trị khỏi thì lại đến mũi họng, viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa… Cứ hễ thời tiết lạnh hoặc giở giời là y như rằng Tâm Phúc ho, lên cơn khó thở, co rút lồng ngực rất đáng thương. 

Đáng lo nữa là căn bệnh viêm tai giữa của Tâm Phúc dù đã điều trị lâu ngày nhưng vẫn chưa khỏi. Sư thầy Thích Đàm Thảo cho biết, Tâm Phúc liên tục phải hút mủ ở tai và uống kháng sinh, nhưng cứ hết thuốc một thời gian thì mủ ở tai lại chảy ra. Ngày 26 Tết vừa rồi, sư thầy đưa Tâm Phúc ra Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương khám, bệnh viện yêu cầu nhập viện điều trị nhưng do đã quá gần Tết lại chưa có tiền nên đành đưa bé về điều trị ngoại trú. Đến mùng 4 Tết, bệnh lại tái phát, Tâm Phúc phải nhập viện mất 4 ngày nhưng về bệnh vẫn không khỏi. May mắn thay đến ngày mùng 9 Tết thì có một nhóm từ thiện đến chùa thăm, thấy hoàn cảnh Tâm Phúc đáng thương nên một nhà hảo tâm đã quyết định tài trợ kinh phí cho bé điều trị tại Bệnh viện Việt Pháp. “Kinh phí điều trị ở đây rất đắt, cũng may có nhà hảo tâm giúp đỡ chứ nếu không thầy cũng không biết phải xoay sở thế nào, chỉ mong rằng sau khi điều trị ở đây Tâm Phúc sẽ khỏi bệnh” - sư thầy Thích Đàm Thảo chia sẻ.

Một mình chăm sóc 6 đứa trẻ

Gặp sư thầy Thích Đàm Thảo, chúng tôi khá ngạc nhiên vì sư thầy còn quá trẻ, mới chưa đầy 30 tuổi. Thầy tâm sự, ngay từ nhỏ thầy đã rất hay lên chùa, và dần dà cảm thấy mình như thuộc về nơi này. Năm 16 tuổi, khi tốt nghiệp Trung học cơ sở thầy đã quyết định xuất gia và theo học Phật pháp, mới đầu gia đình ra sức ngăn cản nhưng rồi với sự kiên định của mình, thầy đã thuyết phục được cha mẹ, anh em đồng ý. Hơn 20 tuổi, thầy về chùa Thái Ân. 

Bé đầu tiên nhà chùa nhận nuôi là Thanh Tâm, năm nay đã 5 tuổi, đang học mẫu giáo. Năm đó thầy mới về chùa được hơn 2 năm thì có người đến bỏ Thanh Tâm lại chùa với lời nhắn là nhờ nhà chùa nuôi, khi nào có điều kiện sẽ đến đón. Lúc đó chùa nghèo lắm, làm gì có điều kiện nuôi nấng, thầy lại còn trẻ, chưa có kinh nghiệm gì. “Chùa Thái Ân thuộc thôn Bùi Xá, là một trong những thôn nhỏ nhất và nghèo nhất của xã nên rất ít người biết đến, gần như không có phật tử công đức. Trước đây chùa chưa có sư nên không được cấp ruộng, đến khi thầy về thì xã cấp cho 4 sào ruộng, nhà chùa cấy lúa và trồng rau lấy lương thực, thực phẩm. Vì vậy khi Thanh Tâm bị bỏ lại, thầy phải đưa về nhờ bố mẹ và anh trai nuôi. Đến nay Thanh Tâm đã lớn, rất ngoan ngoãn, vẫn gọi bố mẹ thầy là ông bà, gọi anh trai thầy là bố”. Bé thứ hai, Tuệ Tâm cũng bị bỏ lại trong hoàn cảnh tương tự, và thầy cũng phải nhờ đến sự hỗ trợ của gia đình. Thầy kể: “Tuệ Tâm tuy nhỏ tuổi nhưng rất biết, rất tình cảm, thi thoảng lại chạy lại ôm cổ thầy hỏi: “Thầy có yêu con không?” Thầy đùa: “Thầy không yêu con thì nó lại dỗi”. 

Nuôi hai bé đầu tiên, tuy các cháu đều khỏe mạnh, ngoan ngoãn nhưng cái khó là lúc ấy nhà chùa nghèo quá nên tiền sữa, bỉm đa phần thầy phải nhờ vào gia đình chu cấp và một phần phải… mua chịu. Mãi đến gần đây, nhờ sự giúp đỡ của một số nhà hảo tâm nhà chùa mới trả hết nợ.

 Nhưng khó khăn đến nhiều hơn kể từ khi nhà chùa nhận nuôi bé Tịnh Tâm do bị bỏ lại ở cổng chùa. Thầy cho biết, từ khi nuôi bé Tịnh Tâm thì một số nhà tình nguyện, nhà hảo tâm bắt đầu biết và đến giúp đỡ chùa cả về vật chất và tinh thần nên sư thầy đỡ vất vả hơn. Lúc thì các phật tử trong địa phương đến giúp thầy chăm sóc các bé, lúc thì các bạn sinh viên ở Hà Nội đến giúp thầy trồng rau, thu hoạch, bán. Tuy nhiên cũng từ đây, khi câu chuyện về nhà chùa nuôi trẻ mồ côi được lan xa thì cũng là lúc liên tục có thêm nhiều trẻ sơ sinh bị bỏ lại cổng chùa. Chỉ 10 tháng trở lại đây, nhà chùa đã phải nhận đến 4 trẻ tính cả bé Tịnh Tâm. Cháu bé bị bỏ lại chùa gần đây nhất mới hơn 1 tháng tuổi, sư thầy chưa kịp đặt tên, hiện cũng đang bị ốm phải nhờ đến một nhà hảo tâm trông nom giúp.

Khi được hỏi một mình chăm sóc 6 đứa trẻ như vậy, có quá sức với thầy không, thầy cười buồn nói: Nhà chùa nhiều lần cũng thuê thêm người giúp, nhưng vất vả quá nên họ đều nghỉ hết.  Tìm mãi nản quá nên thầy không tìm  nữa, gồng mình chăm các con, lúc vất vả quá thì nhờ các bạn sinh viên, các phật tử hoặc người tình nguyện giúp một tay. Công việc chăm sóc trẻ thì chẳng biết kể thế nào, vì toàn những việc không tên, việc vặt nhưng cả ngày thầy cứ phải xoay như chong chóng. Có đêm thầy không được chợp mắt vì cả 3 đứa nhỏ quấy khóc. Lúc các con khỏe mạnh đã đành, như lúc này cả 6 bé cùng ốm, đứa thì mũi họng, đứa viêm phổi, viêm tai giữa, đứa thì đang bị sởi, thầy phải gửi bớt các cháu để có thời gian đưa Tâm Phúc  đi chữa bệnh. 

“Từng ngày, thầy vẫn mong cha mẹ các bé đến nhận lại con”

Tôi hỏi hiện nay nhu cầu nhận con nuôi rất lớn, sao sư thầy không để các cháu cho gia đình hiếm muộn nuôi dưỡng. Ánh mắt thầy hướng về một nơi xa xăm, như thể nơi đó có cha mẹ các bé, như thể thầy nói để họ nghe được và họ yên tâm rằng, nhà chùa vẫn đang chờ đón họ về nhận lại con. Thầy bảo, khi các bé bị bỏ lại chùa, 6 bé thì chỉ có Thiện Tâm là không có lời nhắn lại, còn lại 5 bé đều được người mẹ gửi gắm nhà chùa vì không có điều kiện nuôi nấng, khi nào có điều kiện sẽ đến đón con. Vì vậy trong những năm qua, không ít người cũng đến xin nhận các bé về nuôi nhưng nhà chùa không đồng ý. “Cái suy nghĩ đó cũng quanh co trong đầu thầy nhiều lắm. Nếu cho các con đi thì sẽ giải quyết được khó khăn lúc này cho nhà chùa, nhưng nếu một vài năm nữa cha mẹ các bé đến đón con mà mình cho đi rồi thì biết ăn nói với họ ra sao. Lúc cha mẹ sẽ không còn cơ hội gặp con, các con cũng không có cơ hội gặp lại cha mẹ đẻ của mình. Cửa chùa là cửa từ bi, nếu không thì người ta đã bỏ ở đường hay ở đâu đó chứ đâu cần mang đến cửa chùa. Người ta gửi gắm mình rồi mà mình chối bỏ thì không thể thanh thản trong tâm được”. Với suy nghĩ ấy, mỗi lần có phật tử đến chùa, sư thầy đều thấp thỏm hy vọng rằng trong số đó sẽ có cha, mẹ các bé đến nhận con, nhưng 5 năm qua, hy vọng ấy vẫn chưa thành hiện thực. 

“Thầy lấy kinh phí đâu để nuôi 6 cháu nhỏ?” - tôi hỏi. Sư thầy cho biết, gần đây có thêm nhiều nhà hảo tâm đến chia sẻ công việc chăm sóc các bé. Bé lớn nhất là Thanh Tâm được một nhà hảo tâm ở nội thành Hà Nội nhận đỡ đầu, chu cấp tiền học hành. Tuy vậy tiền bỉm sữa cho các con rất tốn kém, riêng sữa cho các cháu 1 tháng hết trung bình khoảng 16 hộp sữa 900gram, để có tiền cho các cháu thì ngoài tiền các nhà hảo tâm giúp đỡ nhà chùa phải cấy lúa, trồng rau bán và đôi khi thầy phải nhờ đến cả sự giúp đỡ của gia đình. 

Khi ngỏ ý đưa câu chuyện về chùa Thái Ân lên báo, sư thầy Thích Đàm Thảo có phần phân vân vì có thể sẽ có thêm người đến giúp đỡ chùa chăm sóc các con, nhưng cũng có thể sẽ có thêm nhiều trẻ nữa bị bỏ lại cổng chùa. Nếu họ bỏ con lại cho chùa, nhà chùa không nỡ không nhận, nhưng nhận rồi thì liệu sư thầy có kham nổi. Chia tay sư thầy, tôi cứ trăn trở mãi, tại sao những người mẹ trẻ ấy lại dễ dàng buông thả mình để rồi đẩy những đứa trẻ ấy vào cảnh không cha, không mẹ, phải nương tựa cửa chùa. Dù cửa chùa có rộng mở thì thiệt thòi thiếu tình mẫu tử vẫn không gì bù đắp được.