Sử phải thấm vào máu

ANTĐ - Mừng quá, nghe nói trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, nhiều bài thi Lịch sử đạt điểm cao với câu hỏi về chủ quyền biển đảo. Ấy vậy mà ông đã vội bi quan rằng, lớp trẻ không biết, không yêu sử nước nhà.

- Đấy là một số ít yêu thích môn học này thôi. Ông không thấy năm nay Lịch sử là môn có số thí sinh thấp nhất à? Nhiều hội đồng thi không có thí sinh nào thi môn này. 

- Học sinh không thích thi Sử không phải vì “ghét” sử mà là “ghét” cách dạy tầm chương trích cú, mệt đầu mà chẳng nắm được tinh thần, ý nghĩa lịch sử nước ta.

- Cả phương pháp, cả nội dung đều có vấn đề. Thử ngẫm mà xem, dạy Lịch sử thế nào mà không ít người lớn, đến lúc Biển Đông “nóng” lên mới biết đến những chứng cứ lịch sử về chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa như “Châu bản Triều Nguyễn”.

- Thì đó là những “vũ khí” sắc bén, lợi hại được cất giữ, nay mới đưa ra để chứng minh chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

- Tất nhiên rồi, song kể từ khi trẻ đi học đã phải truyền cho chúng hiểu rằng, bắt đầu từ triều vua Minh Mạng đã có “biệt nhãn” vời vợi về cương vực chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa. Từ thời đó hàng năm các triều vua cử người ra Hoàng Sa đo đạc. Dân binh, đinh binh trước khi đi đều làm “khao lề thế lính” như một lễ truy điệu sống. Rồi còn bao nhiêu câu chuyện lịch sử khác để khơi dậy tự hào…

- Các nhà làm giáo dục chắc cũng nhìn ra, lịch sử phải thấm vào máu mỗi người dân từ đời này sang đời khác. Sau lần này chắc sẽ thay đổi hẳn.