Sự đỏng đảnh chết người

ANTĐ - Hình ảnh nhiều quốc gia ở châu Âu tan hoang trong mưa lũ khi mùa hè mới chỉ bắt đầu buộc thế giới phải suy nghĩ nghiêm túc về hiểm họa cận kề của biến đổi khí hậu. 

Cảnh ngập lụt ở châu Âu

Những trận mưa lớn kéo dài suốt từ ngày 30-5 đến nay trên diện rộng ở châu Âu, trải dài từ Đức, Áo, Thụy Sỹ đến CH Czech, đã khiến các con sông bất lực trong việc thoát nước ra biển. Ở Đức, mực nước của các sông tại thành phố Passau đã vượt mức kỷ lục của năm 2002, khiến người dân phải đi sơ tán. Tại CH Czech, quyền Thị trưởng Thủ đô Prague đã phải ra lệnh đóng 8 nhà ga tàu điện ngầm và kêu gọi người dân không tới thành phố này. Nhiều tuyến đường bộ và đường sắt bị phong tỏa; toàn bộ trường mẫu giáo, tiểu học và trung học cũng đã bị đóng cửa.

Đó là những hình ảnh mà thế giới chứng kiến hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây không phải là điều bất ngờ bởi sự bất thường của thời tiết đã được dự báo từ lâu. Cách đây hơn một thập kỷ, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) đã dự báo trong thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình sẽ tăng thêm 4°C. Hệ quả là khí hậu thế giới bắt đầu thay đổi một cách tiêu cực, chẳng hạn như các hệ sinh thái bị phá hủy, nước biển dâng và trữ lượng lương thực giảm đáng kể. Còn năm ngoái, các chuyên gia khí tượng đã cảnh báo 2013 là năm được đánh dấu bằng hàng loạt cột mốc thời tiết khắc nghiệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống con người. 

Thực tế đã diễn ra đúng như vậy. Ngay đầu năm, hạn hán và giá lạnh khủng khiếp đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người ở châu Âu. Còn giờ đây, tiếp tục có thêm những sinh mạng bị dòng nước lũ cướp đi. Băng tan là một trong những yếu tố chính khơi mào cho thời tiết khắc nghiệt trong năm nay. Việc nhiệt độ của năm 2013 vượt mức trung bình khoảng 0,57°C khiến tỷ lệ băng bao phủ của Bắc cực hiện ở “mức thấp nhất kể từ khi tiến hành các ghi chép hiện đại”.

Dựa trên các quan sát, các chuyên gia thuộc Cơ quan vũ trụ châu Âu cho biết băng tại Bắc cực đang tan chảy nhanh hơn chúng ta nghĩ và có thể biến mất trong khoảng 10 năm tới. Theo ước tính, nếu băng tiếp tục tan với tốc độ như hiện nay thì nước biển sẽ dâng thêm ít nhất 6m nữa vào năm 2100. Với mức này, phần lớn các đảo của Indonesia và nhiều thành phố ven biển khác trên thế giới sẽ hoàn toàn biến mất.

Trái đất nóng lên là hậu quả của một quá trình tích lũy lâu dài của khí nhà kính, chủ yếu là CO2 và metan. Những khí này khi được thải vào bầu khí quyển sẽ “nhốt” hơi nóng của ánh mặt trời bên trong bầu khí quyển, vì vậy làm cho nhiệt độ Trái đất tăng lên. Nguyên nhân đơn giản như vậy nhưng để ngăn chặn quá trình nóng lên lại vô cùng khó khăn bởi chính con người.

Các hoạt động sống của con người, đặc biệt là hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch (than, dầu mỏ và khí thiên nhiên), hoạt động nông nghiệp (đốt phụ phẩm sau thu hoạch...), thay đổi sử dụng đất (phá rừng...) làm sinh ra nhiều khí nhà kính hơn. Mặc dù Nghị định thư Kyoto, nghị định liên quan đến Chương trình khung về vấn đề biến đổi khí hậu mang tầm quốc tế của Liên hợp quốc với mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đã được ký kết nhưng vì lợi ích kinh tế, nhiều nước lớn không chấp hành triệt để. Công nghiệp càng phát triển thì bầu không khí càng bị đầu độc.

Cái giá phải trả cho sự bất cẩn của con người với thiên nhiên thật khó lường.