Sự cố tràn dầu ở Mauritius: Thuyền trưởng và đại phó lĩnh án 20 tháng tù

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Thuyền trưởng và đại phó của tàu chở hàng MV Wakashio đâm vào một rạn san hô ngoài khơi Mauritius, dẫn đến thảm họa môi trường tồi tệ nhất ở quần đảo Ấn Độ Dương hồi tháng 7-2020 đã bị tuyên án 20 tháng tù hôm 26-12.
Sự cố tràn dầu là thảm họa môi trường với Mauritius

Sự cố tràn dầu là thảm họa môi trường với Mauritius

Tàu chở hàng Wakashio của Nhật Bản đang trên hành trình từ Singapore đến Brazil mang theo 3.800 tấn dầu nhiên liệu và 200 tấn diesel thì va vào rạn san hô hôm 25-7-2020. Khoảng 1.000 tấn dầu tràn vào vùng biển hoang sơ ngày 6-8, khiến chính phủ Mauritius phải ban bố tình trạng khẩn cấp về môi trường.

Tuần trước, tòa án ở Port Louis đã kết án Thuyền trưởng Sunil Kumar Nandeshwar và cấp phó phụ trách con tàu - Hitihanillage Subhoda Janendra Tilakaratna vì tội danh “gây nguy hiểm cho an toàn hàng hải”. “Thuyền trưởng và người chỉ huy thứ hai đã thiếu trách nhiệm và không thực hiện đúng trách nhiệm chỉ huy con tàu”, thẩm phán tuyên bố.

Thuyền trưởng Nandeshwar cho biết, ông ra lệnh cho tàu tiếp cận vùng biển Mauritius để thủy thủ đoàn bắt được sóng điện thoại di động liên lạc với gia đình nhưng sau đó thảm họa đã ập đến. Biển hôm đó hơi động nhưng tầm nhìn rõ ràng và hướng di chuyển an toàn. Thuyền trưởng cũng thừa nhận đã uống rượu trong một bữa tiệc sinh nhật trên tàu: “Có thời điểm, con tàu không thể di chuyển và đã chạm đáy biển. Vì tôi đã uống một vài ly, nên cho rằng sự việc không đáng để can thiệp và tôi không nghĩ mọi việc đi quá xa như vậy”.

Những ngày sau khi sự cố xảy ra, hàng nghìn tình nguyện viên đã đi dọc theo bờ biển, mang ủng và găng tay cao su, bện dây tạm thời ngăn chặn thủy triều đưa dầu loang dạt vào bờ biển. Hàng nghìn người cũng đã xuống đường trong những tháng sau đó để phản đối phản ứng của chính phủ đối với thảm họa. Dầu loang có thể thu gom được phần nào nhưng tác động của nó đối với môi trường hàng chục năm có khi chưa khắc phục hết.

Với 1.000 tấn dầu bị rò rỉ xuống biển, tình trạng dầu loang đã đe dọa sự sống tại vùng biển vốn đã bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và ngành du lịch Mauritius đang bị tổn thương do đại dịch. Sở hữu hệ sinh thái đa dạng cùng những bãi biển, đầm phá và rừng ngập mặn hấp dẫn, Mauritius, một quốc gia Đông Phi với 1,3 triệu dân, đã thu hút lượng du khách mỗi năm tương đương dân số của họ. Du lịch ước tính cung cấp việc làm cho 1/5 số lao động trong nước. Nhưng ngành công nghiệp này đã nhanh chóng đóng cửa vì đại dịch. Đối với quốc gia du lịch như Mauritus, một thảm họa sinh thái có thể quá sức chịu đựng.

Martin Hall, người đứng đầu bộ phận thiệt hại hàng hải tại công ty luật Clyde and Co của Anh phân tích rằng, giới hạn bồi thường có thể là 18 triệu USD theo Công ước Bunkers trong sự việc này “dường như khó đủ để bù đắp cho tổn thất dự tính từ tác động của 1.000 tấn dầu nhiên liệu đổ vào môi trường sinh thái nguyên sơ của Mauritius”.

Các quốc đảo nhỏ như Mauritius dựa vào đại dương để kiếm thu nhập và một số quốc gia nằm gần các tuyến đường vận chuyển toàn cầu khiến họ đặc biệt dễ bị tổn thương do dầu tràn. Trong số 32 quốc gia tham gia vào quỹ Bồi thường Ô nhiễm Dầu Quốc tế, một khuôn khổ pháp lý điều chỉnh việc bồi thường cho ô nhiễm từ các tàu chở dầu, không có hòn đảo nhỏ nào và hầu như không có hòn đảo nào nằm ở phía nam bán cầu. Trước sự cố tràn dầu MV Wakashio, các cơ quan Liên hợp quốc đã kêu gọi tất cả các quốc gia ký kết các hiệp định vận tải biển quốc tế gần đây nhất để các quốc gia dễ bị tổn thương được bảo vệ khi các sự cố tương tự xảy ra.