Sống thật với đam mê

ANTD.VN - Tôi nghe tiếng Nguyễn Trí Quang đã lâu, từ thời điểm Bộ VH-TT&DL quyết tâm loại sư tử đá Tàu ra khỏi di tích Việt. Trong khi câu hỏi linh vật thuần Việt có hình dạng thế nào vừa mới được đưa ra thì Quang (khi ấy mới chỉ 17 tuổi) đã đưa lên mạng xã hội những hình ảnh 3D linh vật sống động - công việc mà Quang đã mày mò, tìm kiếm, sưu tầm và phục dựng hình ảnh từ rất lâu. Rồi đến lần chùa Bút Tháp cháy án thư 300 năm tuổi, không ai khác lại chính là Quang đã đưa lên trang cá nhân của mình hình ảnh quét 3D án thư chuẩn đến từng centimet với lời nhắn: “Có thể phục dựng chi tiết án thư bằng tài liệu hình ảnh”. Không chỉ có thế, Nguyễn Trí Quang còn là chủ nhân của một bảo tàng 3D với hàng trăm cổ vật.

Ảo mà… như thật

Bây giờ Nguyễn Trí Quang đã 19 tuổi, hỏi em rằng: “Đã có người yêu chưa?” thì Quang cười ngượng ngịu đáp: “Em suốt ngày cắm mặt vào máy vi tính, thời gian đi chơi còn chẳng có thì làm gì có ai yêu”.

Câu hỏi đùa ấy lại minh chứng cho một điều, phần lớn thời gian Quang dồn nén cho những đam mê cá nhân, sức làm việc và nghiên cứu của Quang đã vượt ra khỏi tầm của một nhà nghiên cứu “nghiệp dư” để đến với những công trình quy mô và cực kỳ chuyên nghiệp.

Vài ngày trước thời điểm chúng tôi gặp Quang,  vẫn trên trang mạng cá nhân, Quang công bố hình ảnh toàn bộ không gian VR3D của đình Tiền Lệ (Hoài Đức). Clip sống động này cho phép người tham quan có thể xem rõ đến từng chi tiết của ngôi đình.

Bộ phận quản lý, tu bổ có thể lấy đây như một hệ soi chiếu chính xác với đầy đủ màu sắc, kích cỡ, mặt cắt ngay cả khi di tích thực đã hạ giải. Nếu căn cứ vào công trình này, những sai lệch, biến dạng khi sửa chữa, trùng tu dễ dàng được phát hiện và điều chỉnh. Bản sao 3D scanning chất lượng cao còn như một thứ lưu giữ vĩnh cửu trước những biến động của thời gian và thiên tai.

Nguyễn Trí Quang tâm sự rằng đây là công trình lớn đầu tiên kể từ khi em làm quen với công nghệ 3D, nó đã lấy đi của em 2 năm học hỏi và thử nghiệm, cộng thêm 4 tháng ròng thi công quên ăn, mất ngủ.

Quang khẳng định, riêng khâu 3D scanning thôi, hiện trên thế giới rất hiếm có công trình nào làm được với độ phân giải cao, bao phủ hầu hết mọi ngóc nghách từ trong ra ngoài, ghi nhận từng thớ gỗ, kẽ gạch như ở đây. Không chỉ dừng lại ở đó, VR3D đình Tiền Lệ còn tạo ra một kịch bản tương tác cho người xem, hệt như một chuyến tham quan (theo tour).

Để làm một công trình nghiên cứu chưa từng có trong tiền lệ ở Việt Nam, Nguyễn Trí Quang buộc phải sử dụng kinh phí do bố mẹ trợ cấp. Và đương nhiên, chỉ cần xem video kể trên thì hẳn sẽ hình dung được, người có đam mê kỳ lạ này đã phải bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức, chi phí, mồ hôi đã đổ trên thực địa thì mới hiện thực hóa được giấc mơ VR3D này. Nguyễn Trí Quang tiết lộ thêm, ít hôm nữa em sẽ cập nhật thêm cả tính năng xem bằng kính VR để người xem có cảm giác được thực sự đi trong di tích.

Chuyện Nguyễn Trí Quang công bố công trình quét 3D toàn bộ đình Tiền Lệ, thiết kế clip như một chuyến tham quan, cho phép người xem tương tác, phóng to thu nhỏ, đo vẽ, dập… từng chi tiết, từ chân móng cho tới mỗi viên ngói khiến nhiều người sốc, trong đó có tôi.

Đem clip của Nguyễn Trí Quang cho một vài người bạn của tôi làm trong ngành quản lý di sản, họ tập trung xem không rời màn hình, kết thúc với những tiếng thở dài nuối tiếc: “Chúng ta chưa có điều kiện để bảo tồn di sản theo cách này đâu, tốn kém lắm, điều kiện kỹ thuật chưa cho phép”.

Hỏi ngược lại Quang, có lời đề nghị cộng tác nào sau khi em công bố các công trình của mình, hoặc là có lời đề nghị chuyển giao công nghệ nào không? Quang ngượng nghịu bảo, cũng có vài người đánh tiếng, nói hợp tác chuyện này chuyện kia xong rồi… thôi.

“Giá mà có cơ quan chức năng nào về bảo tồn di sản, bảo tàng chẳng hạn, hợp tác cùng chàng trai 19 tuổi này, rồi số hóa hiện vật, thành lập các bảo tàng ảo, cho phép du khách có thể tham quan hết các ngóc ngách bảo tàng và vẫn được ngồi tại nhà thì thú vị biết bao nhiêu” - Ấy là tôi nghĩ và mong thế!

Không đến trường, ở nhà tự học

Câu chuyện của Nguyễn Trí Quang khiến tôi ngạc nhiên - “Em tạm ngưng sự học từ đầu năm lớp 9”. Giải đáp cho những ngạc nhiên của tôi, Quang cho biết: “Hồi đi học em học không giỏi, lại không hề thích những gì mình đang được học. Em đặc biệt yêu thích máy tính, cứ mày mò tự học. Chẳng hề qua một khóa học nào, cũng không học quá giỏi môn tin học ở trường nhưng chỉ 15-16 tuổi, hàng xóm láng giềng, hễ ai hỏng máy tính là nhờ em sửa giúp”.

Thế rồi tự cảm thấy bản thân cần phải đầu tư thời gian cho những gì mình yêu thích và đam mê, vậy là Quang đưa ra một quyết định động trời - “Xin bố mẹ cho ở nhà tự lên mạng học”. “Bố mẹ em cũng đồng ý ư?” - Tôi giật mình hỏi. “Ban đầu thì không, nhưng em đã phải viết cả một dự án để thuyết phục bố mẹ. Sau khi đọc xong dự án đó, bố mẹ cho em quyền tự quyết định”.

Sau quyết định mang tính “chấn động”, Quang ở nhà, lên mạng tự học thêm về văn hóa, tự học tiếng Anh, tự biên dịch các tài liệu về công nghệ 3D của thế giới.

Thực ra, bố Quang cũng là một nhà nghiên cứu về công nghệ 3D. Gia đình em có một xưởng nhỏ sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ. Từ nhỏ, Quang đã được làm quen với những bức tượng gỗ xinh xắn và tinh xảo, được bố dạy cho những bài học nhập môn về công nghệ hiện đại này. Biết con trai có sở thích đặc biệt nên đi đâu chụp ảnh mẫu vật bố cũng đều cho em đi cùng.

Ban đầu, em thử nghiệm với những đồ vật nhỏ, vừa làm vừa học. Sau dần “tài sản” của Quang đủ để dựng thành cả một bảo tàng với đầy đủ di sản tiêu biểu các triều đại. Kể thì nhanh, nhưng để có được những gì tạm gọi là thành công của ngày hôm nay, Quang đã phải đánh đổi rất nhiều. Đó là những chuỗi ngày đi thực địa, lặn lội tới những nơi hẻo lánh, đi bộ vài chục cây số, lỉnh kỉnh vác theo đủ thứ máy móc.

Về đến nhà thì cũng là lúc giai đoạn hậu kỳ bắt đầu. Bây giờ thì Quang không phải làm một mình, với công trình quét 3D đình Tiền Lệ, một số người trong gia đình đã cùng giúp em. Bố đầu tư cho một máy quét 3D hiện đại khiến công việc trở nên dễ dàng hơn…

Hỏi thêm Quang một chút về niềm đam mê mà em đang theo đuổi, chàng trai trẻ cho biết, công nghệ này có thể áp dụng để giúp lực lượng công an phục dựng lại hiện trường vụ án, tạo ra các mô hình thực tế cho các công trình xây dựng, tạo ra giáo trình cho học sinh vừa học vừa tương tác và quan trọng hơn cả, nó còn là nơi lưu giữ hình hài, dấu ấn thời gian cho di sản. Nguyễn Trí Quang cũng mơ ước, sẽ thành lập hẳn một Công ty 3D chuyên 

VR3D là công nghệ mô phỏng mọi vật chân thực hơn ngay trong trình duyệt Web. Với VR3D, mọi vật được hiển thị trong môi trường 3 chiều thực sự. Người xem có thể toàn quyền tương tác, xoay lật nó để quan sát ngay trong trình duyệt mà không cần cài đặt thêm phần mềm nào.