Siêu lợi nhuận từ buôn bán động vật hoang dã

ANTD.VN - Một cuộc điều tra do phóng viên tờ The Guardian (Anh) thực hiện mới đây đã đưa ra nhiều thông tin đáng chú ý về nạn buôn bán động vật hoang dã trên toàn cầu. Theo đó, các băng nhóm tội phạm thu được số tiền có thể lên tới 23 tỷ USD/năm từ việc buôn bán các loài động vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Nguy cơ tuyệt chủng hiện hữu

Cuộc điều tra của phóng viên The Guardian cho thấy, các băng nhóm tội phạm quốc tế đã và đang giết chết hàng chục nghìn loài động vật hoang dã và đẩy chúng vào nguy cơ tuyệt chủng, trong đó có hổ, voi và tê giác.

Phóng sự được xây dựng trên cơ sở khảo sát ở nhiều “điểm nóng” về nạn buôn bán động vật hoang dã trên toàn cầu, từ Nam Phi, Thái Lan đến Trung Quốc - nơi mà bộ phận của một số loài động vật được sử dụng phổ biến trong y học cổ truyền. 

Bên cạnh đó, nhóm phóng viên cũng đã làm việc với các nhà điều tra độc lập của Freeland - một tổ chức chống buôn bán động vật hoang dã. Freeland đã đồng ý cung cấp thông tin độc quyền về nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã mà tổ chức này có được trong suốt 14 năm hoạt động.

Theo thống kê, hiện thế giới chỉ còn 30.000 con tê giác, bằng khoảng 5% số tê giác trên toàn cầu 40 năm về trước. Khoảng 1.000 con tê giác bị săn trộm mỗi năm và con số này không ngừng tăng lên. Mỗi năm, khoảng hơn 20.000 con voi bị giết hại để lấy ngà. Trong khi đó, số lượng hổ trong tự nhiên cũng giảm mạnh so với thập kỷ trước, nguy cơ tuyệt chủng đang hiện hữu trước mắt. 

Ngoài tê giác, voi, hổ, nhiều loài động vật nhỏ hơn cũng đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Tê tê là một ví dụ. Thực tế cho thấy, nhiều cá thể tê tê được vận chuyển trực tiếp qua biên giới các quốc gia. Một số nơi có quan điểm cho rằng, thực phẩm được chế biến từ tê tê rất có lợi cho phụ nữ nuôi con nhỏ. Rùa, trăn, linh dương và một số loài chim cũng đang suy giảm mạnh.

Lợi nhuận 23 tỷ USD/năm

Điều tra của phóng viên The Guardian, Freeland cho hay, thời gian gần đây, xuất hiện nhiều đường dây, “nhân vật” mới có “máu mặt” trong hoạt động buôn lậu các loài động vật hoang dã ở khu vực châu Á. Thời gian qua, sự chú ý quốc tế tập trung vào một người đàn ông Lào có tên là Vixay Keosavang, đang được coi là “ông trùm” buôn bán động vật hoang dã.

Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy, Keosavang dường như đã không tham gia vào các hoạt động buôn bán động vật hoang dã từ năm 2014 sau khi Chính phủ Mỹ treo thưởng “khủng”, trị giá 1 triệu USD để bắt “ông trùm” này. 

Thị trường buôn bán động vật hoang dã mang lại khoản lợi nhuận lớn cho các băng đảng tội phạm, lên tới 23 tỷ USD/năm. Trên thị trường chợ đen, buôn bán động vật hoang dã là lĩnh vực có lợi nhuận cao thứ tư sau thị trường buôn bán ma túy, buôn người và buôn lậu vũ khí. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại nhất là việc thực thi luật pháp quốc tế với nạn buôn bán động vật hoang dã còn yếu, thậm chí là đang bị “thả nổi”.

Buôn bán động vật hoang dã là lĩnh vực siêu lợi nhuận, bởi khi “hàng” đến được tay khách hàng ở một quốc gia khác thì cũng được đội lên gấp nhiều lần.

Theo khảo sát của The Guardian, 1 kg ngà voi ở châu Phi bán với giá 150 USD, khi đến thị trường Bắc Kinh, Trung Quốc tăng cao gấp hơn 10 lần, trung bình là 2.025 USD.

Trong khi đó, mỗi cặp sừng tê giác thường có trọng lượng khoảng 6kg, ở châu Phi có giá khởi điểm là  167 USD/kg, nhưng  sang đến  Trung Quốc lên tới 66.139 USD/kg (gấp 395 lần).