Sen đất ngát cửa thiền

ANTĐ - Cũng “lá xanh, bông trắng lại chen nhụy vàng” nhưng loài hoa sen này không sống trong bùn nước, mà lại mọc lên từ đất như bao loài cây thân mộc khác. Cứ vào dịp tháng 5, tháng 6 hàng năm, trong từng ngọn lá lại đội lên những hoa sen trắng tinh khôi, thơm mát dịu dàng và khi nở bung hết cánh thì to tựa cái bát ăn cơm. Nhân dân ta gọi là sen đất.
Sen đất ngát cửa thiền ảnh 1
Loài sen có cành Đã là người Việt Nam thì nhiều người biết tới chất lém lỉnh của chàng trai khi “bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen”. Lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi vẫn nắc nỏm thật sâu sắc lời dạy của cô giáo “đấy là cái cớ khéo léo để chàng trai muốn làm quen với cô gái, chứ sen thì làm gì có cành”. Rồi đến khi nghe bài dân ca “Đi cấy” của xứ Thanh thì hình ảnh cành hoa sen lại hiển hiện một lần nữa “Lên chùa bẻ một cành sen…”. Thời gian trôi đi, tôi cứ mặc nhiên coi đó là sự ước lệ của dân gian. Cho đến một ngày giữa tháng 10, người bạn tôi nổi hứng rủ đi chùa Bối Khê (xã Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội) và còn nhấn mạnh “ở đó có cây sen tổ đã sống được trên trăm năm nay rồi”. Tôi lập tức lên đường. Cách trung tâm thị xã Hà Đông khoảng 14km, theo đường 21B về hướng Tây, đến Bình Đà rẽ trái, con đường vắt ngang cánh đồng còn trơ gốc rạ cuối vụ mùa là lối dẫn tới chùa Bối Khê. Tọa lạc trên thế đất đầu phượng, ngôi chùa được xây dựng năm 1382, dưới thời Trần trên mảnh đất rộng khoảng 4.000m2. Chùa có năm cửa, một cửa chính giữa và bốn cửa phụ chia đều cho hai bên. Một chiếc cầu nhỏ được xây bằng gạch vắt ngang đầm thả đầy hoa súng để dẫn tới cổng Tam quan 2 tầng, 8 mái. Tầng thượng có treo 2 quả chuông lớn, mỗi quả cao 1m, đường kính 20cm. Bên dưới sân là hai cây móng rồng trên trăm năm tuổi đang mải miết trổ hoa, thỉnh thoảng có những chiếc lá vàng quay quay trong gió rồi chạm nhẹ xuống mặt đất, bốn bề yên tĩnh, chỉ có khói hương ấm cúng từ tòa tam bảo bay ra vấn vít. Tiền thờ Phật, hậu thờ Minh Đức chân nhân đời Trần, tên húy là Nguyễn Bình An. Ngài đã tu hành đắc đạo và hóa tại nơi đây, được nhân dân xây tháp để giữ hình hài cốt, tôn là Đức Thánh Bối. Người dân kể lại, ngài sinh năm Tân Tỵ (1281), quê ở làng Bối Khê, nhưng tu luyện ở chùa Trăm Gian (xã Tiên Lữ, huyện Chương Mỹ). Nên chùa Trăm Gian là nơi thờ chính thức ngài, còn ở Bối Khê là thờ vọng. Hàng năm cứ đến ngày 13 tháng Giêng, người dân trong vùng nô nức mở hội, rước kiệu Thánh để thể hiện lòng biết ơn tới Ngài.Chỉ sống nơi đất Tổ Những viên gạch đỏ tăm tắp, tĩnh lặng trên chiếc sân phía trước nơi thờ Tam bảo là hai cây móng rồng gần hai trăm năm tuổi miệt mài trổ bông, rủ bóng xuống mái ngói cổ kính, thâm nâu nhưng chẳng thể che khuất 3 chữ Hán cổ “Đại Bi tự” (chùa Đại Bi, tên gọi khác của chùa Bối Khê) trên nóc gian Tam bảo. Nằm khuất nẻo phía sau ngôi chùa, cạnh am thờ Thánh Bối và trước nơi thờ Mẫu, cây sen đất đã hơn trăm năm nay hút nước sông Đỗ Động, cắm rễ vào lòng đất Bối Khê và được sự chăm sóc, gìn giữ của các vị tu hành và người dân nơi đây đều đặn dâng hoa vào mùa hạ, từ tháng 4 đến tháng 6. Cây cao khoảng 5m, lá đơn hình bầu dục, mép lá không có răng cưa, mặt trên xanh bóng, mặt dưới màu nâu sáng, dáng cây và lá giống họ với đa. Khi đến chùa Bối Khê đã qua mùa sen đất nở, tôi chỉ được hồi tưởng lại sắc hoa lạ này theo lời kể của bác Phát (người làng Bối Khê) “Hoa sen đất có màu trắng tinh, cánh dày và thơm hơn sen nước, khi nở hết cỡ to bằng cái bát ăn cơm. Đời của hoa cũng “sớm nở tối tàn”, hoa chỉ có nhụy vàng mà không có gương sen như sen nước, nhưng khi cánh hoa khô rồi mà vẫn còn thơm”. Để lý giải cho sự xuất hiện của cây sen đất trong chùa Bối Khê, sư thầy Đàm Phượng (trụ trì chùa Bối Khê) thong thả “Người làng nói, ở chùa Bối Khê có hai cây sen đất do phật tử cung tiến từ trăm năm trước đây. Nhưng một cây đã chết, giờ chỉ còn lại duy nhất cây sen tổ này. Qua năm tháng, cây sen tổ cũng cằn cỗi dần, nên cách đây khoảng chục năm nhà chùa đã cho chiết khoảng 40 cành, trồng trước cửa chùa hai cành, trồng ở chùa Trăm Gian 2 cành còn lại đem biếu các nơi. Sau một thời gian, được tin chỉ có hai cành được trồng phía trước cửa chùa Bối Khê và một cành ở chùa Trăm Gian là sống. Giờ ba cây đó đã cao trên 3m, cành lá xum xuê, cứ đến mùa lại đơm hoa trĩu cành, thơm mát dịu”. Muốn giữ lại giống sen quý, mấy năm trước sư thầy Đàm Phượng đã chiết trồng trước nơi thờ tổ một cành sen đất, cây đã bắt rễ và đơm hoa. Thế là ở chùa Bối Khê, giờ đã có bốn cây sen đất. Người ta nói rằng, giống sen này rất kén đất, kén tay người chăm sóc, cành sen được chiết từ cây sen tổ cũng chỉ sống với đất tổ - nơi thờ Đức Thánh Bối là chùa Đại Bi và chùa Trăm Gian…Nơi nào có loài sen đất? Theo sư thầy Đàm Phượng thì Hà Nội còn hai cây sen đất, một cây được trồng trong khuôn viên chùa Quán Sứ, một cây ở chùa Lý triều Quốc sư (phố Lý Quốc Sư). Nhưng cả hai cây này đều hiếm khi ra hoa nên ít ai để ý tới. Còn anh Sơn (65 Nguyễn Du, Hà Nội) cho biết: tại khu biệt thự Tây Hồ của Văn phòng Trung ương Đảng có 6 cây sen đất đã lên cao chừng 2m vẫn âm thầm hút nhựa đất, hưởng gió hồ Tây mà bền bỉ khoe nét đặc biệt của mình. Và cũng chẳng biết tự bao giờ, vùng cánh cung Đông Triều - Quảng Ninh, nơi các ngọn núi Yên Tử, núi Bảo Đài, núi Đỉnh Hương, núi Thiên Sơn (Am Vát) xếp nếp nhau tạo nên những thung lũng để dung dưỡng cho loài sen đất mọc bạt ngàn. Qua chiến tranh và sự khai phá của con người, giờ sen đất cũng không còn nhiều nữa. Tương truyền, chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng - Bắc Giang) nơi vua Trần Nhân Tông chọn làm nơi tu hành đầu tiên, ngài đã trồng ở đây một cây sen đất. Nhưng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đã bị giặc bắn cháy. Chẳng ngẫu nhiên mà loài sen này đã chọn cửa thiền làm nơi phô diễn vẻ đẹp tinh khiết của mình. Cùng với hoa mộc, hoa đại, sen đất cứ đến mùa hè lại phảng phất hương thơm dịu mát, quyện với khói nhang và lời kinh Phật mà giác ngộ vô vi.