Sẽ “đói” năng lượng

(ANTĐ) - Mỗi năm nước ta xuất khẩu hàng triệu tấn dầu thô, hàng triệu tấn than, thu về nguồn ngoại tệ hàng tỷ USD. Nhưng cùng lúc, hàng năm chúng ta cũng phải bỏ ra hàng chục triệu USD để nhập khẩu xăng dầu, khí đốt, thậm chí nhập cả điện. Với mức quy đổi về nguồn năng lượng sơ cấp (than, dầu khí, thủy điện) tính bình quân trên đầu người, thì Việt Nam rất thấp so với nhiều nước. Nói cách khác, nước ta là nước nghèo về nguồn tài nguyên năng lượng. Không hề là cách nhìn thiển cận khi nói rằng, nước ta sẽ “đói” năng lượng không chỉ trong tương lai.

Sẽ “đói” năng lượng

(ANTĐ) - Mỗi năm nước ta xuất khẩu hàng triệu tấn dầu thô, hàng triệu tấn than, thu về nguồn ngoại tệ hàng tỷ USD. Nhưng cùng lúc, hàng năm chúng ta cũng phải bỏ ra hàng chục triệu USD để nhập khẩu xăng dầu, khí đốt, thậm chí nhập cả điện. Với mức quy đổi về nguồn năng lượng sơ cấp (than, dầu khí, thủy điện) tính bình quân trên đầu người, thì Việt Nam rất thấp so với nhiều nước. Nói cách khác, nước ta là nước nghèo về nguồn tài nguyên năng lượng. Không hề là cách nhìn thiển cận khi nói rằng, nước ta sẽ “đói” năng lượng không chỉ trong tương lai.

Hiện tại, nước ta xuất khẩu hơn 50% sản lượng than và gần 100% dầu thô khai thác. Riêng việc xuất khẩu than sang Trung Quốc, nếu công khai giá xuất của Tập đoàn Than - Khoáng sản và giá điện mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam mua từ  Trung Quốc sẽ thấy chẳng khác gì “bán thóc giống, mua gạo hẩm”.

 Theo kinh nghiệm các nước đi trước, chi phí đầu tư để sản xuất ra cùng 1 đơn vị năng lượng đắt hơn 2,5 lần so với chi phí đầu tư để tiết kiệm hay nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Bộ Công nghiệp đang soạn thảo Luật về tiết kiệm năng lượng, nhưng chủ yếu chỉ “ưu ái” ngành điện. Năng lượng cần phải được tiết kiệm từ “gốc đến ngọn”: thăm dò, khảo sát, quy hoạch, thiết kế, khai thác, chế biến, vận chuyển và sử dụng.

Tiếc thay, tới nay ta chỉ hô hào tiết kiệm “phần ngọn” khi thiếu điện, khi tăng giá. Lãng phí, tổn thất về năng lượng ở nước ta đang xảy ra ở tất cả các khâu. Tổn thất trong thăm dò khai thác: 30%, trong khâu quy hoạch – thiết kế: 50%; trong khâu chế biến than sạch: 10-15%; từ than, dầu mỏ, khí đốt thành điện năng, tổn thất tới 40-50%. Trong khâu vận chuyển năng lượng tổn thất 5-10%. Cuối cùng, trong khâu tiêu dùng, tổn thất ít nhất 30%.

 Thực trạng “đói” năng lượng không chỉ là “nguy cơ” đe dọa toàn bộ nền kinh tế. Không có gì là “bí mật quốc gia” khi các chuyên gia thông báo; sau năm 2015, nước ta sẽ phải nhập khẩu than đá; sau năm 2020 sẽ phải “sống” nếu không có điện nguyên tử. Tổng sản lượng than trong tương lai nếu khai thác tối đa cũng chỉ đáp ứng 50% nhu cầu. Ngay cả phương án của Bộ Công nghiệp trình Chính phủ thì vấn đề nhập khẩu than từ đâu và như thế nào còn đang bỏ ngỏ.

Thiếu điện là “căn bệnh trầm kha” trong phát triển kinh tế ở nhiều nước. Nhưng việc mất cân bằng năng lượng, “đói” năng lượng, hàng năm phải nhập khẩu xăng dầu, khí đốt sẽ là tảng đá lớn cản đường phát triển kinh tế, triệt tiêu khả năng cạnh tranh, giảm mạnh sức hút vốn đầu tư, làm mất cơ hội hội nhập quốc tế. Hiện nay, ta có thể “tự hào” là nước xuất khẩu năng lượng. Song, chỉ sau 10, 15 năm nữa, Việt Nam sẽ trở thành nước nhập khẩu năng lượng.

Đan Thanh