Sẽ đề nghị Kiểm toán vào cuộc ngay từ đầu khi phân bổ vốn từ gói phục hồi kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc phân bổ nguồn vốn từ gói phục hồi kinh tế phải đảm bảo công bằng, Chính phủ sẽ đề nghị Kiểm toán nhà nước vào cuộc ngay từ đầu…
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Quốc hội

Tiếp tục phiên thảo luận về gói tài khóa, tiền tệ để thực hiện chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chiều 7-1, Quốc hội đã nghe các Bộ trưởng, trưởng ngành giải trình và làm rõ một số vấn đề ĐBQH quan tâm, đặt ra.

Một trong những nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm là việc phân bổ và quản lý, sử dụng nguồn vốn từ các chính sách tài khóa và tiền tệ phục hồi, phát triển kinh tế xã hội ra sao để đảm bảo công bằng, minh bạch.

Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, các chính sách hỗ trợ sẽ tập trung vào những ngành cần thiết, trước mắt là nâng cao năng lực phòng chống dịch ngành y tế; phát triển hệ thống hạ tầng giao thông chiến lược, kết nối cửa khẩu Đông Bắc, các khu công nghiệp, khu kinh tế...

Ngoài ra, phân bổ nguồn vốn sẽ hài hòa giữa các vùng miền, tạo động lực mới trong phát triển, đảm bảo công bằng nhưng không cào bằng, xác định thứ tự ưu tiên đầu tư lĩnh vực, ngành có tính lan tỏa.

Trước một số băn khoăn của ĐBQH về tính hiệu quả, khả năng hấp thụ của gói hỗ trợ phục hồi kinh tế trị giá trên 346.000 tỷ đồng này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn chia sẻ, quy mô gói hỗ trợ khá lớn nên bên cạnh đánh giá tác động của chính sách, Chính phủ đã nhận diện và chuẩn bị các giải pháp kiểm soát rủi ro có thể xảy ra, nhất là áp lực lạm phát gia tăng trong năm 2022- 2023.

Theo Bộ trưởng Dũng, năm 2022 sẽ thực hiện và giải ngân khoảng 42% tổng số vốn của chương trình, phần còn lại sẽ thực hiện và giải ngân trong năm 2023.

Trong quá trình thực hiện, Chính phủ sẽ theo dõi chặt chẽ thường xuyên diễn biến tình hình giá cả trong nước và thế giới để có phản ứng phù hợp để kiểm soát lạm phát. Cùng đó, sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm toán, thanh tra, nhất là trước và trong quá trình xây dựng công trình để nâng cao tính công khai, minh bạch; phòng, chống tham nhũng, xin - cho, lợi ích nhóm.

Đặc biệt, Chính phủ sẽ đề nghị Kiểm toán nhà nước, yêu cầu các cơ quan liên quan tham gia vào cuộc ngay từ đầu việc triển khai các chính sách đặc thù, nhất là cơ chế chỉ định thầu, đẩy mạnh công nghệ thông tin để bảo đảm năng suất hiệu quả, hiệu lực.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại Quốc hội

Giải trình về ý kiến của ĐBQH kiến nghị tăng thuế trong các giao dịch chứng khoán, bất động sản, kinh doanh trên nền tảng số… tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay chuyển nhượng chứng khoán đổi với doanh nghiệp là thu 20% thuế thu nhập, đối với doanh nghiệp nước ngoài là 0,1% trên doanh thu bán.

Theo Bộ trưởng Tài chính, hiện thị trường chứng khoán đang rất tốt, là một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế. Năm 2021 đã huy động được 7,7 triệu tỷ, chiếm 92,5% so với GDP của năm 2021. Vì thế, đề nghị giữ nguyên và tập trung để siết trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản thế chấp.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Quốc hội

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Quốc hội

Còn liên quan đến vấn đề giảm lãi suất cho vay, làm rõ ý kiến của một số ĐBQH tại phiên thảo luận, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngay sau khi dịch Covid-19 bùng phát, Ngân hàng Nhà nước đã tập trung giảm nhanh 3 lần lãi suất điều hành cũng như chỉ đạo các tổ chức tín dụng và điều tiết tiền tệ để giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong năm 2020 là khoảng 1% và năm 2021 tiếp tục giảm khoảng 0,8%.

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã giảm cả lãi và phí gần 40.000 tỷ đồng từ chính nguồn tài chính của các tổ chức tín dụng để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân.

Cũng theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, hiện lạm phát trên thế giới có xu hướng gia tăng, các ngân hàng trung ương trên thế giới bắt đầu thu hẹp chính sách tiền tệ và xu hướng lãi suất tăng lên. Trong khi, nền kinh tế của Việt Nam đặt ra yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất, theo bà Hồng là “vấn đề thực sự khó khăn”.

Tuy nhiên, trong xây dựng chương trình phục hồi này, Chính phủ đã cân nhắc và đưa ra giải pháp là phấn đấu chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1% trong 2 năm để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân. Bà Hồng khẳng định sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để cho vay đúng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm, khắc phục hạn chế gói hỗ trợ trước đây.