Sẽ có đường sắt cao tốc Bắc - Nam hơn 1 triệu tỷ đồng

ANTD.VN - Trong bối cảnh phải cạnh tranh khốc liệt với đường bộ và hàng không, ngành đường sắt quyết tâm đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam khổ 1.435mm, với suất đầu tư 27-35 triệu USD/km.

Với tàu tốc độ cao Hà Nội đến TP.HCM chỉ còn 5 giờ 38 phút

Nhu cầu thiết yếu

Theo Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT), nếu không xây dựng đường sắt tốc độ cao Hà Nội -  TP. HCM thì nhu cầu vận tải hành khách trên hành lang Bắc - Nam đến năm 2030 sẽ vượt năng lực của các loại hình vận tải là 57 triệu hành khách/năm, tương đương 156.000 hành khách/ngày.

Ngành đường sắt dự báo đến năm 2020, sẽ phân bổ cho vận chuyển bằng đường sắt tốc độ cao 48.000 hành khách/ngày. Với năng lực chuyên chở cao (một chiều bình quân mỗi năm đạt 50 triệu - 70 triệu người/năm), đường sắt tốc độ cao được xác định là phương án khả thi đáp ứng được nhu cầu vận chuyển trong tương lai trên trục Bắc - Nam.

Kết quả dự báo của Dự án “Nghiên cứu phát triển bền vững ngành GTVT của Việt Nam” thực hiện từ năm 2007 - 2010, được Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA thực hiện theo yêu cầu của phía Việt Nam cho thấy, đến năm 2030, nhu cầu hành khách trên hành lang vận tải Bắc -Nam sẽ là 534.000 hành khách/ngày, tương đương 195 triệu hành khách/năm (chỉ tính những chuyến đi liên tỉnh), tốc độ tăng trưởng bình quân năm đạt 6,59%.

Trong khi đó, đến năm 2030, tổng năng lực của các loại phương thức vận tải trên hành lang vận tải Bắc - Nam chỉ đạt khoảng 138 triệu hành khách/năm, gồm đường ô tô cao tốc 4 làn xe - năng lực vận tải hành khách đạt khoảng 88 triệu người/năm; tuyến đường QL1 chủ yếu phục vụ vận tải nội vùng; năng lực vận tải hàng không đạt khoảng 35 triệu hành khách/năm; còn năng lực của tuyến đường sắt hiện tại khổ 1000 mm sau khi nâng cấp, hiện đại hóa để đạt tiêu chuẩn đường sắt cấp 1, khai thác tàu khách với tốc độ 80-90 km/h, tàu hàng 50-60 km/h cũng chỉ đạt khoảng 15-16 triệu hành khách/năm.

Tại các báo cáo đầu tư trình Quốc hội trước đây, Chính phủ đã đưa ra 4 phương án làm đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Trong đó, ông Lê Kim Thành, Tổng Giám đốc Ban QLDA đường sắt cho rằng, phương án nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá và hành khách địa phương đồng thời xây dựng mới tuyến đường sắt với tốc độ khai thác 300km/h (vận tốc thiết kế 350 km/h) chuyên chở hành khách là hợp lý nhất.

Gần 60 triệu USD và hơn thế nữa

Theo nghiên cứu của JICA vào năm 2010, điểm đầu của dự án là ga Ngọc Hồi (Hà Nội), tuy nhiên, Quy hoạch phát triển GTVT Hà Nội tới năm 2030, tầm nhìn 2050 khẳng định đường sắt tốc độ cao qua khu vực Hà Nội bắt đầu từ ga Hà Nội, đi theo hướng song song với đường sắt Bắc - Nam. Đoạn từ ga Hà Nội đến ga Ngọc Hồi đi tách riêng hoặc trùng với đường sắt đô thị tuyến số 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên). Điểm cuối của tuyến là ga Hòa Hưng (TP.HCM). 

Về hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, theo Ban QLDA đường sắt, phương án tối ưu có chiều dài 1.570km, có ít hầm và chiều dài hầm không quá dài do đó chi phí xây dựng thấp hơn. Tuyến đường sắt này đi qua địa bàn 21 tỉnh/thành phố, trong đó cầu cạn dài 1.043km, cầu vượt sông và đường là 46km, hầm 117km, còn lại là nền đường đào đắp dài 364km.

Thời gian chạy tàu trên các đoạn Hà Nội - Vinh (284km) và TP. HCM - Nha Trang (366km) khoảng 1,5 giờ. Tổng thời gian từ ga Hà Nội - Hòa Hưng là 5 giờ 38 phút đối với tàu nhanh (chỉ đỗ ở Vinh và Nha Trang) và 5 giờ 51 phút đối với tàu thường đỗ ở tất cả các ga.

Thời gian thực hiện theo phương án đã được trình Quốc hội là giai đoạn đến năm 2020 đưa vào khai thác đoạn từ Hà Nội - Vinh và đoạn Nha Trang - TP. HCM; giai đoạn đến năm 2030 xây dựng, đưa vào khai thác đoạn Vinh - Đà Nẵng và hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035. Tuy nhiên, Ban QLDA đường sắt cho rằng, hiện có nhiều nghiên cứu đưa ra các lộ trình xây dựng khác nhau, đồng thời chiến lược quy hoạch phát triển GTVT đường sắt đã được phê duyệt điều chỉnh, do vậy lộ trình xây dựng cần phải được cập nhật lại.

Liên quan đến số vốn đầu tư tuyến đường sắt này, báo cáo đầu tư năm 2010 xác định sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 55.853 triệu USD, tương đương 1.066.792 tỷ đồng (tỷ giá 1 USD = 19.100 đồng). Suất đầu tư bình quân là 35,6 triệu USD/km (680 tỷ đồng/km).

Đại diện Ban QLDA đường sắt cho rằng, báo cáo đầu tư năm 2010 cho thấy, suất đầu tư này thuộc loại trung bình khi so sánh với suất đầu tư/1 km của tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải là 24,3 triệu USD/km; Đức 47,2 triệu USD/km; Hàn Quốc 52,9 triệu USD/km; Pháp 22,2 triệu USD/km. Song, theo kết quả của đoàn nghiên cứu JICA năm 2013, sơ bộ tổng mức đầu tư đoạn Hà Nội - Vinh là 10.237 triệu USD và đoạn TP.HCM - Nha Trang là 9.933 triệu USD; suất đầu tư trung bình các đoạn ưu tiên là 31 triệu USD/km. Trong đó, đoạn Hà Nội - Vinh là 35 triệu USD/km, đoạn Nha Trang - TP. HCM là 27 triệu USD/km.