Sau trận “siêu giông” 13/6: Cần cơ chế cảnh báo hiệu quả hơn cho người dân

ANTĐ - Trận “siêu giông” ập vào Hà Nội hôm 13/6 đã tàn phá nặng nề nhiều cây xanh, biển hiệu và nhà cửa. Đã có 2 người tử vong trong “cơn giận dữ thiên nhiên” này, bên cạnh nhiều thiệt hại vật chất khác. Nếu không rơi vào dịp nghỉ cuối tuần, mức độ thiệt hại về người và của chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều, vì đó là thời gian cao điểm vào ngày thường. Vậy nên, đã tới lúc chúng ta phải nghĩ tới những biện pháp hiệu quả hơn, thay vì cứ đổ hậu quả là do… thiên nhiên hay khách quan.

Giả sử thời điểm trận giông khủng khiếp vừa qua là 17 giờ của một ngày trong tuần, khi hàng nghìn, hàng vạn người lao động bắt đầu rời công sở, nhà máy, công xưởng về nhà, thì hậu quả sẽ như thế nào? Những điểm trú chân dọc đường liệu có đủ chỗ cho “biển người” chen chúc trên đường trong giờ cao điểm?

Cần lưu ý rằng, thời điểm cơn giông ập xuống rất nhanh, với sức gió mạnh khủng khiếp và có kèm cả mưa đá. Nhưng trước đó, Trung tâm Dự báo Khí tượng và Thủy văn Quốc gia không có thông báo nào đáng chú ý để người dân kịp phòng tránh.

Vậy đó, nếu những thiệt hại về người và của tăng lên thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho “cơn cuồng nộ của thiên nhiên”?

Tới lúc đó, có lẽ chẳng ai phải chịu cả, vì hậu quả là do thiên nhiên, do khách quan mà ra!

Một sự chuẩn bị đối mặt với thảm họa thiên nhiên như vậy trong thế kỷ 21 này có thể coi là “liều lĩnh”, bởi hiện giờ, không hề tồn tại bất kỳ cơ chế thông báo hiệu quả nào cho người dân.
Cứ cho là khó dự báo giông lốc như lời lãnh đạo cơ quan khí tượng thuỷ văn đi. Bài này nhấn mạnh về cơ chế thông tin, thông báo khi có thảm hoạ.

Không có sự phản ứng hiệu quả, chúng ta sẽ mãi ở tình trạng "Thiên tai đổ xuống mới bắt đầu.. chạy thôi"

Anh Phạm Trung Tuyến – Phó Giám đốc Đài truyền hình Quốc hội – đã có một chia sẻ rất đáng suy nghĩ trên trang Facebook cá nhân của mình: “Hà Nội quá dễ tổn thương! Một cơn mưa giông nhanh, đèn giao thông chết hàng loạt. Cây đổ tả tơi”.

Đó là hiện trạng dễ hiểu, do thiếu cơ chế cảnh báo sớm cho người dân trước những thiên tai bất ngờ, đột ngột!

Vậy giải pháp cho vấn đề này có thể là gì?

Nhìn vào những nước phát triển và có hệ thống cảnh báo sớm hiệu quả, có thể thấy cách làm của họ không hề khó áp dụng ở nước ta, mà cụ thể là tại Hà Nội.

Đó là dựa vào thực tế người dùng điện thoại thông minh/máy tính bảng (smartphone/tablet) hay điện thoại di động phổ biến hiện nay, không quá khó để truyền tải thông tin khẩn cấp tới người dân khi có giông lốc cực lớn hay những thiên tai bất ngờ khác như động đất…

Chỉ cần một dòng thông báo bật lên trên màn hình trang chủ smartphone/tablet (Push) kèm cái rung hay âm thanh riêng, hoặc một tin nhắn cảnh báo, chắc chắn nhiều người sẽ có phương án chủ động hơn để né mình tránh thiên tai. Chỉ cần nhanh hơn một vài phút với tư thế chủ động, có thể khẳng định người dân sẽ được an toàn hơn rất nhiều trước những thiên tai đột ngột như trận “siêu giông” vừa qua.

Muốn làm được như vậy, bên cạnh nền tảng công nghệ hiệu quả và phổ biến dành cho người dân thì còn cần sự cập nhật nhanh nhạy, kịp thời từ cơ quan chức năng như Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia. Nếu không, thông tin dự báo dạng “từ ngày hôm trước” hay thống kê thiệt hại của “ngày hôm sau” sẽ không mang lại hiệu quả phòng tránh như mong đợi trước những thiên tai bất ngờ, có sức tàn phá khủng khiếp.

Tất nhiên, giải pháp nói trên chỉ là một trong số rất nhiều gợi ý, đóng góp ý kiến mà chúng ta cần đưa ra, để tìm được giải pháp tối ưu cho việc phản ứng hiệu quả, kịp thời trước thiên tai.

Trong khi các hiện tượng thiên nhiên tiêu cực xuất hiện ngày càng nhiều và có những dấu hiệu khó lường, khó đoán biết hơn trước thì thật kỳ lạ là chúng ta vẫn đang duy trì cơ chế phản ứng kiểu “tự nhiên” vốn có.

Bao giờ chúng ta mới hết phải đổ hậu quả thiên nhiên cho… khách quan? Và khi nào bớt được mức độ “dễ tổn thương” để sẵn sàng đối phó với những thiên tai bất ngờ và nguy hiểm?