Sang tên đổi chủ phương tiện chỉ có lợi cho người dân

ANTĐ - Đó là khẳng định của luật sư Giang Hồng Thanh - Trưởng văn phòng Luật sư Giang Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội-ảnh) trước quy định xử phạt chủ sở hữu ô tô, xe máy không thực hiện chuyển quyền sở hữu phương tiện.

- Luật sư Giang Hồng Thanh: Trước hết cần phải khẳng định rằng quy định đăng ký và sang tên đổi chủ phương tiện chỉ có lợi cho người dân và đã có từ lâu. Nếu chỉ xét ở phạm vi nghị định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự giao thông đã thấy, quy định phải chuyển quyền sở hữu phương tiện có tính xuyên suốt trong tất cả các văn bản được Chính phủ ban hành, từ Nghị định 39/2001 đến Nghị định 34/2010 và bây giờ là Nghị định 71/2012. Điều này không chỉ phục vụ công tác quản lý phương tiện, tài sản đối với cơ quan chức năng mà quan trọng hơn là nhằm hạn chế, triệt tiêu các tranh chấp về tài sản của người dân. 

- PV: Nếu không thực hiện việc đăng ký sở hữu hoặc sang tên đổi chủ thì chủ phương tiện thường gặp phải những rủi ro gì? 

- Luật sư Giang Hồng Thanh: Chủ sở hữu ô tô, xe máy nếu không chuyển quyền sở hữu cho người mua thì sẽ gặp rất nhiều rủi ro về mặt pháp lý. Chẳng hạn trong trường hợp người mua sử dụng phương tiện đó gây tai nạn hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác thì chủ sở hữu phải bồi thường hoặc liên đới bồi thường cho người bị hại. Chí ít cũng gặp phải một số rắc rối trước pháp luật. Vấn đề này đã được quy định cụ thể tại Nghị quyết 03/2006 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao. Xin nêu một ví dụ, cách đây 2 năm, anh bạn tôi định bán chiếc ô tô cho một người. Nhưng khi yêu cầu người mua phải làm thủ tục sang tên đổi chủ thì anh này nhất quyết không đồng ý với lý do việc chuyển quyền sở hữu mất nhiều thời gian, tiền bạc. Lo ngại những phát sinh sau này xảy ra, anh bạn tôi đã không bán xe cho người kia nữa. Sau đó người này mua xe của một người khác và không sang tên đổi chủ. Ít lâu sau, TNGT xảy ra, anh ta bỏ trốn và thế là rắc rối nảy sinh. Cơ quan chức năng xác định được người đứng tên đăng ký sở hữu phương tiện và đã yêu cầu người này phải có trách nhiệm phối hợp tìm ra thủ phạm. Về phía người mua, nếu không chuyển quyền sở hữu phương tiện để mang tên mình cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, rủi ro trong quá trình quản lý, sử dụng. Đơn giản nhất là không thể tự mình quyết định việc mua bán, trao đổi, cầm cố, thế chấp hoặc tặng, cho đối với người khác.     

- Theo ông, để quy định xử phạt đối với lỗi không sang tên đổi chủ đi vào cuộc sống, cần phải thực hiện như thế nào?

- Không riêng gì Nghị định 71/2012 mà bất kể một quy phạm pháp luật nào cũng vậy, trước hết Nhà nước cần phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân hoặc đối tượng bị điều chỉnh chấp hành. Cụ thể ở vấn đề sang tên đổi chủ phương tiện giao thông hiện nay là phải “hóa giải” được cái khó của người dân khi “trót” mua ô tô, xe máy đã qua tay rất nhiều chủ sở hữu trước đó. Tiếp đến là khi người dân thực hiện sang tên đổi chủ phương tiện, thủ tục hành chính phải thật đơn giản, thuận tiện và nhanh chóng. Đặc biệt là mức phí và thuế sang tên đổi chủ cần được áp dụng phù hợp với tình hình kinh tế xã hội cũng như thu nhập của đại đa số người dân. Bởi có một thực tế là nếu chi phí cho việc chuyển quyền sở hữu phương tiện quá cao thì người dân sẽ bằng cách này hay cách khác  “lách luật” hoặc cố tình không thực hiện. Và cuối cùng là trước khi áp dụng chế tài cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng để ai ai cũng nắm bắt được quy định, tránh tình trạng chỉ đến khi bị xử phạt thì người dân mới biết… Hẳn chúng ta đã biết quy định về việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy khi tham gia giao thông cách đây chưa lâu. Trước khi quy định xử phạt có hiệu lực, hoạt động tuyên truyền được triển khai rất rầm rộ, bền bỉ nên chỉ sau một đêm điều tưởng chừng như không thể đã trở thành bình thường trong cuộc sống.

- Xin cảm ơn ông!