Sẵn sàng mở hầu bao

ANTĐ - Tháng 1 vừa qua, tổ chức Vietnam Report đã tiến hành cuộc điều tra với quy mô hơn 3.000 doanh nghiệp lớn có tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam. Kết quả công bố cho thấy sự lạc quan cũng như niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp về triển vọng kinh doanh năm 2014. Các chuyên gia của Tổ chức này nhấn mạnh, kết quả hoạt động năm 2013 đã mang lại những hy vọng cho doanh nghiệp. Tỷ trọng doanh nghiệp có doanh thu cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Từ góc độ tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, không ít doanh nghiệp đứng ngoài tốp làm ăn thuận lợi đều thừa nhận, họ đang đối mặt với những rào cản lớn như kế hoạch kinh doanh kém, thiếu thông tin tài chính, thiếu tài sản thế chấp. Trong khi các doanh nghiệp rất “khát” vốn cho nhu cầu sản xuất kinh doanh, thì ngân hàng lại ngần ngại “mở hầu bao” vì sợ rủi ro. Cầu nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp bị đứt đoạn ở các khâu như thiếu tài sản thế chấp, thiếu thông tin về bên vay tiềm năng cũng như thiếu năng lực giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Không ít ngân hàng dư thừa thanh khoản buộc phải hạ lãi suất cho vay, song có bao nhiêu doanh nghiệp vay được giá rẻ?

Theo một chuyên gia tài chính-ngân hàng, trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng phải làm gì để thay đổi quan niệm và thói quen trong quan hệ vay mượn khi đang lâm vào “ngõ cụt” tín dụng? Không thể  ngồi “ôm” tiền khư khư trong lúc doanh nghiệp “đói” vốn. Cập nhật tình hình thị trường ngân hàng, hiện tại mới có vài ba ngân hàng lớn đang tích cực đẩy vốn ra thị trường với lãi suất chỉ còn 5%/năm, với các gói vốn lớn hàng nghìn tỷ đồng từ nay đến tháng 5. Chẳng hạn cho vay cá nhân, hộ kinh doanh, kể cả khách hàng mua nhà, sửa nhà, mua ô tô…

Dẫu vậy, các gói vốn trên chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ so với cả một “núi tiền” hàng chục, trăm nghìn tỷ đồng của mấy ngân hàng trên. Còn các ngân hàng khác vẫn “án binh bất động”, cho vay tiêu dùng với lãi suất cao ngất ngưởng không dưới 15%/năm, thậm chí phần lớn các gói vốn cho vay sản xuất kinh doanh vẫn trên 11-14%/năm. Trong khi đó, đi sâu vào quan hệ ngân hàng và doanh nghiệp cho thấy, tình trạng xiết nợ, thu hồi kho hàng thế chấp đang diễn ra. Một chuyên gia nhận định, lúc này ngân hàng và doanh nghiệp cần phải hiểu nhau hơn. Nên xem xét doanh thu, lợi nhuận, chi phí và cả từng hợp đồng để đưa ra quyết định chính xác rằng, có còn tiếp tục làm ăn với nhau hay là “đường ai nấy đi”. Theo phản ánh từ nhiều ngân hàng, hoạt động tín dụng đầu năm nay chưa có sự khởi sắc thực sự ngoài tình hình dư thanh khoản nhưng khó vay.

Không chỉ chuyên gia trong nước, cả chuyên gia nước ngoài đều cho rằng, đã đến lúc các ngân hàng phải thay đổi hoàn toàn quan niệm cho vay. Đừng quá đòi hỏi về tài sản thế chấp mà hãy xem xét kỹ khả năng, hiệu quả dự án để cho vay. Ngân hàng phải làm bệ đỡ cho doanh nghiệp, có cái nhìn cởi mở, sẵn sàng mở hầu bao cho doanh nghiệp vay, cùng vực nhau dậy trong lúc khó khăn này.