Săn lùng “kim cương đen”

ANTĐ - Nấm cục là một món ăn lạ mắt, bổ dưỡng, quý hiếm và đắt tiền nhất. Được người phương Tây mệnh danh là “kim cương đen”, quanh mặt hàng này đang tạo ra thế giới ngầm mà ở đó chúng được buôn lậu từ những tay trộm cắp và cả những mánh lừa trộn hàng kém phẩm chất.

Chỉ vài ba lát nấm cục đen của Pháp đã có giá hàng trăm USD trong một nhà hàng ở Paris. Nấm cục trắng từ Italia giá cao gấp 3 lần như thế. Kỷ lục gần đây là một cục nấm nặng khoảng 0,9kg đã được bán với giá 300.000 USD tại một phiên đấu giá ở Ma Cao. Chính vì được giá như vậy mà những người “săn” nấm cục ở châu Âu đua nhau đi tìm. Nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ đã tìm cách nuôi trồng nấm cục nhưng không thành công. Chỉ nấm cục có sự kết hợp của đất đỏ và mưa hè ở châu Âu mới làm nên vị ngọt, đậm đà khó quên và đặc biệt là tốt cho… “chuyện ấy”. 

Đến ăn bằng… trực thăng

Tại tỉnh Perugia xinh đẹp ở Italia, các thợ săn nấm lang thang trên những ngọn đồi băng giá với những con chó được huấn luyện giúp phát hiện ra loài nấm này đến đúng độ chín. Nấm cục mọc hoang dã và thường ở dưới gốc cây sồi. Olga Urbani, nữ Giám đốc Công ty Urbani, kiểm soát 70% thị phần nấm cục thế giới cho biết, sau khi “săn” được, nấm sẽ được đưa vào nhà máy rửa sạch, phân loại, đông lạnh hoặc đóng hộp rồi chở thẳng đến các nhà hàng ở New York với chiếc bánh hamburger kẹp nấm giá thành lên tới 150 USD. Có lẽ do biến đổi khí hậu, thu hoạch từ 2.000 tấn nấm cục khoảng 100 năm trước đây giờ chỉ còn 30 tấn.

 

Hàng khan, lại giá cao khiến tội phạm có tổ chức biến việc kinh doanh buôn bán nấm cục giống như buôn bán ma túy. Thực tế, đằng sau món hàng đắt đỏ này có cả thế giới ngầm nguy hiểm. Một trong những đầu bếp, ông chủ nhà hàng nổi tiếng về món nấm cục ở Pháp được gọi là Bruno. Tại nhà hàng Bruno, trung tâm tỉnh Provence, những đại gia châu Âu đi máy bay trực thăng từ Paris hay Monaco đến chỉ để ăn trưa. Mỗi năm, ông Bruno tiêu thụ khoảng 5 tấn nấm cục với đủ các món và ông Bruno cho biết, có người tìm đến đây không chỉ để ăn nấm cục mà để… ăn cắp chúng.

Nhà hàng Bruno đã bị lấy trộm chừng 200kg nấm cục, một số được đưa đến chợ đen ở  Richerenches. Tại những chợ này, nguyên tắc là giữ bí mật, giống hệt các thương vụ liên quan đến mafia. Michel Tournayre, một người săn nấm cho biết có đồng hương của anh đã bị cướp xe, bị đánh bằng gậy bóng chày và thậm chí bị giết chỉ vì nấm cục.

Nhưng tội phạm hay biến đổi khí hậu không phải là điều khiến dân kinh doanh nấm cục lo lắng nhất mà đó lại là “hàng nhái” - nấm từ Trung Quốc. 

Nỗi lo hàng nhái

Trong nhiều năm, nông dân Trung Quốc dùng nấm cục làm thức ăn cho lợn chỉ đến khi một doanh nhân biết chúng mới được xuất sang Pháp. Tuy thế, nấm Trung Quốc vô giá trị bởi nó không có hương vị, không mùi, khi ăn vào giống như nhai gỗ. Đó là bởi nếu như ở Pháp, người ta dùng chó sục sạo xem khi nào nấm chín thì đào lên, người Trung Quốc cứ thế lật đất và thu hoạch ngay khi tìm thấy nấm. Điều này giải thích lý do tại sao hai cục nấm có vẻ giống nhau nhưng giá hoàn toàn khác nhau. Cùng một trọng lượng, ví dụ giá nấm cục mùa đông của châu Âu khoảng 1.000 USD thì nấm Trung Quốc chỉ có 20 - 30 USD. 

Chính vì độ quý hiếm, khan hàng như vậy nên để có thể đáp ứng nhu cầu, chuyện người ta trộn 30% nấm Trung Quốc vào lô hàng là… thường tình. Theo thống kê, khoảng 28 tấn nấm cục Trung Quốc được đưa vào Pháp mỗi năm. Michel Tournayre kể, anh từng lấy vài lát nấm tại nhà hàng đưa về soi dưới kính hiển vi để truy tìm nguồn gốc nấm. Tournayre đã cảnh báo có nhà hàng bán nấm cục Trung Quốc với giá hàng của Pháp nhưng cảnh sát không để ý. Mặt khác, khi nấm Trung Quốc nhập vào, chúng được đóng gói “sản phẩm của Pháp” xuất sang nước khác với giá cao khiến khách hàng lầm tưởng họ nhận được chất lượng tốt nhất ở mức giá có thể chấp nhận được. Tournayre than thở, nếu một ngày nấm cục của họ bị “nhái” lại như thương hiệu túi xách Louis Vuitton thì đúng là họ sẽ mất đường làm ăn.