Săn "kỳ mộc" giữa đại ngàn Sa Pa

ANTĐ - Không biết từ bao giờ, tìm kỳ mộc đã trở thành nghề mưu sinh cho những người dân ở bản địa ở Sa Pa (tỉnh Lào Cai), nhất là ở Trung Chải, trong dịp tết, đồng thời thỏa mãn thú chơi những tác phẩm nghệ thuật của thiên nhiên.

Trò chuuyện với các "thợ săn"

Phải rất vất vả và tốn công sức chúng tôi mới tìm được một người chuyên “săn” gỗ lũa ở Trung Chải. Chảo Vần Phẩu ở Pờ Sì Ngài đã có “thâm niên” làm nghề tìm gốc cây. Gốc lũa thường nằm sâu trong lòng đất, chỉ những người có kinh nghiệm và có duyên với nó mới tìm được, Phẩu tâm sự. Nghe Phẩu nói mà chúng tôi vô cùng háo hức, chỉ muốn ngược ngay đại ngàn để tìm gốc lũa cho thỏa lòng mong ước. Nhưng thật không may, trời vùng cao Trung Chải mưa rả rích suốt mấy ngày. “Có cho tiền tôi cũng không dám đi tìm gốc cây”, Phẩu nói. Đành gạt sự háo hức qua một bên, chúng tôi - những kẻ đi “săn hụt” gốc lũa ngồi quây bên bếp lửa hồng. Nhưng không phải vì thế mà câu chuyện bớt “xôm”.

Phẩu – chàng trai người Dao năm nay 25 tuổi mới gặp rất nhút nhát, nhưng khi đã quen thì 1001 chuyện tìm gốc cây đều được anh chàng này “dốc” hết. Cách đây chừng năm 5 năm, Phẩu và một số trai làng đi rừng trồng thảo quả. Ở lại trên rừng qua đêm, nhóm thanh niên phải tìm cành cây, gỗ mục để đốt sưởi ấm. Vô tình đào gốc cây khô để sưởi ấm thì thấy gốc cây có nhiều hình thù lạ mắt, Phẩu vác về, ra đến quốc lộ thì có vài người hỏi mua.

“Thôi thì họ trả bao nhiêu mình cũng bán, nếu không mang về ngắm chán lại làm củi”, Phẩu tâm sự. Mua xong, họ dặn nếu đào được thì bán cho họ. Lân la hỏi chuyện, mình mới biết đây là gỗ lũa, cái thứ này ở trên rừng thiếu gì. Từ ngày đó, mỗi lần sắp đến tết, Phẩu và một số trai làng lại ngược đại ngàn tìm gốc cây, để bán lấy tiền sắm tết. Mấy năm làm nghề săn kỳ mộc, Phẩu đã hiểu và nắm rất tường tận về gốc lũa. Phẩu cho biết: Gỗ lũa được lấy từ các gốc cây (cây đã đốn ngã trong một thời gian dài còn lại gốc rễ) đã bị mục nát ở phần vỏ ngoài, bên trong còn giữ nguyên cốt lõi bền chắc, không hư thối và ngẫu nhiên tạo ra hình dáng đẹp. Gốc lũa thường nằm sâu trong lòng đất, chỉ những người có kinh nghiệm và có duyên với nó mới tìm được, chỉ những gốc có dáng đẹp, bề mặt gỗ phải có vân, có khe tạo thành do tác động của tự nhiên mới được xem là gỗ lũa.

Có lẽ, nghệ thuật của đại ngàn, của thiên nhiên đã ngấm vào con người Phẩu. Mấy năm đi “săn”, Phẩu và nhóm trai làng không nhớ nổi đã đào được bao nhiêu gốc lũa, nhưng chỉ biết năm nào cũng kiếm được bạc triệu để ăn tết. Lần nào đi cũng tìm được vài gốc lũa loại nhỏ, có lúc phải mất vài ngày mới đào được một gốc, bởi gốc lũa to quá, 4 -5 người mới khiêng nổi. Nói như vậy, không phải đào lũa lúc nào cũng thuận, mà rất tốn công sức. Phẩu cho biết: Có gốc lũa, mọi người phải thay nhau đào, thậm chí đào sâu  từ 2 – 3m, phồng cả tay mới lấy được. Chưa kể, có lần trên đường khênh về thì một người trong nhóm bị trượt chân, gốc lũa lăn xuống vực, công cán mấy ngày ngủ rừng, uống nước khe thành công cốc.

Câu chuyện tìm gỗ lũa giữa chúng tôi và Phẩu bị ngắt quãng bởi Phẩu có điện thoại. Nghe xong điện thoại, Phẩu cho chúng tôi biết, có người dưới xuôi gọi đặt tìm gốc lũa để làm bàn ghế. Nghe ra “thương vụ” này to, Phẩu xin khất với chúng tôi để đi tìm anh em, chuẩn bị mọi thứ, một hai hôm nữa trời tạnh sẽ đi rừng luôn. Phẩu cũng không quên giới thiệu cho chúng tôi một “thợ săn” gỗ lũa ở thôn Chu Lìn 1. Chia tay Phẩu chúng tôi không quên chúc anh may mắn, sớm “săn” được kỳ mộc để tết này được “xôm” hơn.

         
Kết quả một ngày làm việc của "thợ săn"

“Thợ săn” Châu A Ch. còn khá trẻ, nhưng cũng giống Phẩu, Ch. có thâm niên tìm gốc lũa. Ch. rất kiệm lời, hỏi mãi, anh chàng người Mông này mới chịu kể chuyện tìm gốc lũa của mình. Ch. cho biết: Khi sương bắt đầu giăng kín bản cũng là lúc đi tìm gỗ lũa. Chỉ tay về phía xa lắc, xa lơ, Ch. bảo: “Vựa” lũa ở đó, phải đi mất cả ngày đường mới đến nơi. Khi đi phải mang theo dao, xà beng, xoong nồi, gạo và thức ăn bởi sẽ phải ở trên rừng vài ngày. Đi rừng 3 - 4 ngày mới được một gốc lũa, chưa kịp nhìn thấy mặt vợ, con lại tiếp tục trở lại đại ngàn.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, không giống như những nơi khác, gốc lũa ở Sa Pa chủ yếu là sâng đỏ và pơ mu, nên rất đặc biệt. Đối với lũa là sâng đỏ, gặp sương, gỗ sẽ “ngậm” khiến cho lũa đổi màu đỏ rực, vô cùng hấp dẫn. Còn lũa là pơ mu, rất chắc, nhiều vân và có mùi thơm.

Quả là không ngoa khi có người đã nhận xét về lũa nói chung và lũa Sa Pa nói riêng như thế này: Tạo hóa để lại trên thân và gốc cây những dáng vẻ kỳ diệu mà không bàn tay và trí tưởng tượng nào có thể làm ra nổi. Từ những con lũa, người ta nghe thấy tiếng gọi của rừng và cảm nhận sâu sắc dấu ấn thời gian trên mặt gỗ. Khám phá ra vẻ đẹp của lũa là cả một thế giới bí ẩn của thiên nhiên. Chưa có ai thống kê được đã có bao nhiêu gốc lũa của Sa Pa được chuyển về xuôi, nhưng chỉ biết lũa Sa Pa đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt còn được xuất khẩu.

Có lẽ rất nhiều người không để ý đến nghề “săn” gốc lũa ở Sa Pa, nhưng chính Phẩu, Ch. và nhiều người dân bản địa khác đã đưa lũa Sa Pa “bước” ra từ thế giới của thiên nhiên hoang dã, nhập vào cuộc sống tinh thần của con người. Nhưng chính họ cũng chưa ý thức được cái quý giá của lũa, mà tất cả chỉ vì mưu sinh.