Sai lầm tệ hại của CIA

ANTĐ - Người đứng đầu Ủy ban Tình báo của Thượng viện Mỹ đã phải thốt lên "sai lầm tệ hại" khi đề cập tới những nhà tù bí mật cùng đòn tra tấn dã man dưới tên gọi mỹ miều "kỹ thuật thẩm vấn nâng cao" của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).

Các nghi can khủng bố bị CIA giam giữ tại nhà tù trên đảo Guantanamo

Ngày 13-12, với tỉ lệ phiếu 6/9, Ủy ban Tình báo của Thượng viện Mỹ đã tán thành bản báo cáo dài 6.000 trang sau khi kết thúc cuộc điều tra cái gọi là “kỹ thuật thẩm vấn nâng cao” của CIA. Bản báo cáo này được hoàn thành sau 3 năm rưỡi điều tra về hoạt động bắt giữ và thẩm vấn của CIA với các nghi can khủng bố, trong đó bao gồm cả việc đưa các tù nhân đến những nơi gọi là “điểm đen” (nhà tù bí mật khắp thế giới), nơi họ bị thẩm vấn dã man. 

Hiện Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ vẫn chưa có kế hoạch công bố bản báo cáo điều tra với công chúng. Tuy nhiên, khi đề cập tới nội dung bản báo cáo điều tra này, Chủ tịch Ủy ban, Thượng nghị sĩ  Dianne Feinstein nói: “Tôi tin chắc rằng việc hình thành các “điểm đen” lâu năm và bí mật, cũng như việc sử dụng cái gọi là “kỹ thuật thẩm vấn nâng cao” là những sai lầm tệ hại”.

Cho dù Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ chưa công bố công khai nhưng bê bối “điểm đen” nhà tù bí mật cùng những đòn tra tấn dã man của CIA với các nghi can khủng bố đã nhiều lần được phanh phui trên báo chí. Cũng trong thời gian cơ quan lập pháp Mỹ tiến hành điều tra, báo chí Mỹ và thế giới đã "lật tẩy" nhiều "điểm đen" cùng các đòn tra tấn dã man đối với các nghi can khủng bố.

Sau sự kiện khủng bố 11-9-2001, chính quyền Tổng thống George W. Bush “bật đèn xanh”, cho phép CIA lập nhiều “điểm đen” giam giữ tù nhân cũng như được thực hiện các đòn tra tấn dã man với nghi can khủng bố. Những điểm đen này không chỉ có ở các “điểm nóng khủng bố” như Afghanistan hay Iraq... mà xuất hiện nhiều nơi ở châu Âu và nhất là nhà tù khét tiếng Guantanamo.

Tại các “điểm đen” đáng sợ này, CIA đã thực hiện các đòn tra tấn rợn người được gọi bằng cái tên mỹ miều “kỹ thuật thẩm vấn nâng cao”, trong đó có việc sử dụng súng ngắn và máy khoan điện khi thẩm vấn nghi can khủng bố. Một trong số những nghi phạm đầu tiên bị "nếm" đòn tra tấn này là Abd   al-Rahim al-Nashiri, nhân vật mà CIA cho là lãnh đạo hàng đầu của Al Qaeda, khi bị nhân viên thẩm vấn gí súng vào đầu dọa bắn chết tại chỗ thì nhân viên khác cho nổ khẩu súng khác khiến nghi can tưởng mình bị bắn chết thật.

Song đáng sợ nhất là đòn "trấn nước" (waterboarding) áp dụng với một số nghi can khủng bố hàng đầu như Abu Zubaydah, Khalid Sheikh Mohammed... Sau khi "chết đi sống lại tới 4 lần" với đòn trấn nước làm ngạt gây cảm giác như bị chết đuối thật, CIA mới đi tới kết luận rằng Zubaydah không phải là thủ lĩnh số 3 của Al Qaeda như họ đã từng quy kết trước đó. 

Thế nên, không có gì khó hiểu khi chính quyền Tổng thống Barack Obama cùng Thượng viện Mỹ dưới quyền kiểm soát của Đảng Dân chủ mở cuộc điều tra về các hoạt động tra tấn của CIA thì các cựu Giám đốc cơ quan tình báo này cùng thành viên Đảng Cộng hoà đều lên tiếng phản đối. Song bất chấp sự phản đối này, bản báo cáo điều tra cũng đã được Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ hoàn thành và dư luận đang chờ công khai để xem CIA còn những “kỹ thuật thẩm vấn” rùng rợn nào khác.