Sách "Họa sĩ Khóa Kháng chiến" vừa xuất bản đã có nguy cơ phải thu hồi

ANTD.VN - Trung tuần tháng 9 vừa qua, chuyên khảo mỹ thuật khá công phu của tác giả Đào Mai Trang trình làng đã tạo nên một cơn sốt trong giới mỹ thuật. 

Cuốn sách kể về khóa học đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, nay là ĐH Mỹ thuật Việt Nam, dưới sự dẫn dắt của họa sĩ Tô Ngọc Vân. Thế nhưng, sau chưa đầy nửa tháng ra mắt, cuốn sách đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của gia đình cố họa sĩ Nguyễn Trọng Kiệm.

Sách "Họa sĩ Khóa Kháng chiến" vừa xuất bản đã có nguy cơ phải thu hồi ảnh 1Tác phẩm “Ghé thăm nhà” 1958. Lụa. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Khóa học đặc biệt

Cuốn sách là một chuyên khảo về khóa học chính thức đầu tiên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, kể từ khi thành lập vào tháng 10-1945. Nhà trường tuyển sinh khóa đầu tiên trong năm 1946, việc học kéo dài được hai tháng thì cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra. Khóa học đầu tiên của trường (1950-1954) còn được gọi là khóa Họa sĩ kháng chiến gồm có 22 sinh viên với những tên tuổi sau này đã làm rạng danh nền Mỹ thuật Việt như Lưu Công Nhân, Nguyễn Trọng Kiệm, Trần Lưu Hậu, Lê Lam… và đặc biệt nhất phải kể đến là vai trò của họa sĩ Tô Ngọc Vân - Hiệu trưởng nhà trường (nguyên là sinh viên và giảng viên của Trường CĐ Mỹ thuật Đông Dương).

 Cuốn sách “Họa sĩ Khóa Kháng chiến (1950-1954)” do NXB Mỹ thuật ấn hành, dày 300 trang, in màu, với 255 hình ảnh sáng tác của họa sĩ Tô Ngọc Vân và các học trò, phần lớn chưa từng được công bố đang trở thành “hiện tượng” và được các họa sĩ, những người yêu mỹ thuật Việt tìm đọc. Người có công đưa cuốn sách này đến với độc giả đương nhiên là tác giả Đào Mai Trang. Thế nhưng, cuốn sách này cũng đã có một vài điều đáng tiếc, và chuyện đáng tiếc ấy “rơi” vào những trang viết về cố họa sĩ Nguyễn Trọng Kiệm (1934-1991).

Từ trang 127 đến 133, cố họa sĩ Nguyễn Trọng Kiệm hiện lên không mấy đẹp đẽ như một người bị chìm khuất trong rượu, ít khi đọc hết được một cuốn sách… Và cuộc trò chuyện về họa sĩ Trọng Kiệm giữa tác giả Đào Mai Trang cùng họa sĩ Nguyễn Đức Hòa (con trai họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp) đã khiến người đọc hình dung về cố họa sĩ Nguyễn Trọng Kiệm vì nghiện rượu mà tan nát cả sự nghiệp nghệ thuật, không được cất nhắc trong cơ quan cũng là do rượu…

Không thể không bức xúc khi đọc những dòng sách in về cha mình, anh Nguyễn Trần Minh (con trai họa sĩ Nguyễn Trọng Kiệm) vừa có đơn gửi Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm, Cục Xuất bản In và Phát hành,  Hội Mỹ thuật Việt Nam cùng NXB Mỹ thuật bởi theo anh sách có những thông tin bóp méo sự thật, bôi nhọ vong linh người đã khuất. Trao đổi với PV Báo An ninh Thủ đô, anh Nguyễn Trần Minh cho biết, gia đình anh cần được xin lỗi công khai, đồng thời yêu cầu tác giả và NXB xóa bỏ những dòng trên khỏi cuốn sách. Từ một cuốn sách mỹ thuật nổi đình đám trong năm, “Họa sĩ Khóa Kháng chiến” bỗng đối mặt với nguy cơ thu hồi, chỉnh sửa…

Sách "Họa sĩ Khóa Kháng chiến" vừa xuất bản đã có nguy cơ phải thu hồi ảnh 2Cuốn sách “Họa sĩ Khóa Kháng chiến” của Đào Mai Trang đang gây phản ứng dữ dội từ gia đình cố họa sỹ

Chỉnh sửa thế nào cho phải?

Theo thông tin từ bà Đặng Thị Bích Ngân - Giám đốc Nhà xuất bản Mỹ thuật thì ngay sau khi sự việc xảy ra, bà đã nhận được tin nhắn của  họa sĩ Nguyễn Đức Hòa. Anh cho biết, anh thấy rất có lỗi về bài trả lời phỏng vấn kể trên và bản thân anh đã từng đề nghị tác giả bỏ bài này nhưng tác giả không chịu. Bên cạnh việc nhờ NXB bỏ bài trả lời phỏng vấn về họa sĩ Trọng Kiệm đã in trong sách, Nguyễn Đức Hòa cũng nói thêm, anh đang ở xa, nếu gặp Nguyễn Trần Minh (con trai họa sĩ Trọng Kiệm) sẽ dập đầu xin lỗi. Về phía NXB, bà Bích Ngân nói thêm, sẽ có chỉnh sửa lại sách cho hợp lý và thỏa đáng. 

Cũng trong ngày 4-10, PV Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi cùng họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông Chương cho biết, ông từng có 7 năm giảng dạy cùng họa sĩ Nguyễn Trọng Kiệm tại Đại học Mỹ thuật công nghiệp và thấy nhân cách của họa sĩ không như những gì mà “Họa sĩ Khóa Kháng chiến” của Đào Mai Trang mô tả. Trong suốt ngần ấy năm đi dạy, chưa bao giờ ông thấy họa sĩ Trọng Kiệm say sưa mà bỏ bê công việc, chứ đừng nói là nát rượu. Thi thoảng gặp Trọng Kiệm ngồi khề khà cùng Nguyễn Tấn Cứ và Thái Bá Vân. Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh: “Thời đó làm gì có tiền mà uống rượu đến mức nát đâu, nên nói anh Kiệm vì rượu mà sự nghiệp lu mờ là không đúng”. 

“Nghề sáng tạo nó khác những nghề khác, có ông suốt ngày chăm chỉ ngồi nhà đọc sách nhưng chẳng bao giờ có được tác phẩm nào ra hồn, có ông rong chơi từ ngày này sang ngày khác, nhưng tài năng sức sáng tạo thì ít người sánh bằng, như họa sĩ  Lưu Công Nhân là một ví dụ. Có thể tác giả cuốn sách tuổi còn trẻ, không hiểu biết nhiều, không tiếp xúc nhiều với giới mỹ thuật nên đã có cái nhìn phiến diện như thế. Giá như tác giả và biên tập viên NXB có cái nhìn rộng rãi hơn thì sự việc đã không đáng tiếc thế này. Tôi nhắc lại, tài năng của Nguyễn Trọng Kiệm là không thể phủ nhận, điều đó được chứng minh khi ông cùng Lưu Công Nhân, Trần Lưu Hậu là 3 họa sĩ đầu tiên trong số 22 họa sĩ Khóa Kháng chiến được nhận Giải thưởng Nhà nước đợt 1 năm 2001”- Họa sĩ Trần Khánh Chương nói.

Họa sĩ Nguyễn Trọng Kiệm (1930 -1991) là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam (1957), Trưởng ngành hình họa, giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội (1955-1991). Năm 2001, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt I, cho các tác phẩm: "Bác Hồ ở Pắc Bó" (Sơn dầu - 120x150cm - 1984); "Rời lều cỏ Bác tiếp tục hành quân" (Sơn dầu - 130x160cm - 1985); "Những nẻo đường kháng chiến" (Sơn mài - 58x87cm - 1960); "Xâu kim" (Sơn dầu - 69x90cm - 1958); "Hòa bình xây dựng" (Sơn dầu -140x180cm - 1960); "Khi đứa con ra đời" (Sơn dầu -140x190cm - 1960); "Vật kỷ niệm của người cha" (Sơn dầu - 120x150cm - 1965); "Ghé thăm nhà" (Lụa - 65x45cm - 1958)…