Đặc biệt là phiên chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ về “cuộc chiến” phòng chống tham nhũng, vai trò, trách nhiệm của Thanh tra cũng như những thành viên Chính phủ trong những vụ sai phạm của Vinalines, Vinashin. Câu hỏi lớn nhất là: Vì sao chỉ có chưa đến 1% vụ vi phạm Thanh tra phát hiện chuyển cơ quan điều tra, còn lại đều xử lý hành chính, trong khi những vi phạm lên đến hàng nghìn hecta đất, hàng chục nghìn tỷ đồng?
Báo cáo của Thanh tra Chính phủ gửi đến phiên chất vấn có liệt kê ra 5 nguyên nhân khiến tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, là thách thức lớn, trong đó nguyên nhân đầu tiên là người đứng đầu. Theo báo cáo, một số cơ quan, đơn vị và người đứng đầu chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng chống tham nhũng. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, trong đó có những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh, dù chúng ta đã rất quyết tâm, rất nỗ lực nhưng công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí. Tình hình tội phạm tham nhũng diễn biến nghiêm trọng, theo số liệu của thanh tra, kiểm toán thì có tới cả hàng nghìn vụ. Song thực tế, số vụ khởi tố điều tra rất ít, chưa đáp ứng được lòng mong đợi của nhân dân và chưa phản ánh đúng tình hình. Ông ủy viên Ủy ban Tư pháp chỉ rõ, hầu hết những vụ tham nhũng lớn chủ yếu khởi tố điều tra về tội cố ý làm trái, mà tội này hình phạt rất thấp, nặng nhất cũng chỉ đến 20 năm tù. Nhiều vụ cuối cùng lại thấy “không tham ô đồng nào” và việc thu hồi tài sản rất thấp. Phó Chủ nhiệm Ủy ban đặt câu hỏi chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ, càng ngày bộ máy phòng chống tham nhũng càng được hoàn thiện mà lại phát hiện tham nhũng ít hơn, phải chăng là có vấn đề về lợi ích nhóm, có bao che trong đội ngũ cán bộ?
Một Phó chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội còn thẳng thắn chất vấn: “Có biểu hiện ngại ngùng hoặc lựa chọn hệ số an toàn cao trong thanh tra các vụ việc tham nhũng không? Có bị cấp nào nắn dòng, bẻ ghi thanh tra không? Thanh tra có được hoạt động độc lập không?”. Tổng thanh tra khẳng định bản thân ông không chịu bất cứ áp lực nào, không né tránh va chạm, không chọn hệ số an toàn cao. Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận những điểm yếu như năng lực của đội ngũ có trên 18.000 người nhưng phần nhiều chưa được chuẩn. Số vụ việc chuyển cơ quan điều tra ít cũng vì năng lực phát hiện của thanh tra còn hạn chế, phát hiện vi phạm chưa đến nơi đến chốn…
Tham nhũng, lãng phí trở nên nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành. Theo đề xuất của Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội, cần thành lập một bộ máy điều tra đặc biệt. Quốc hội cần sớm ban hành luật về kiểm kê tài sản và kê khai tài sản, đồng thời Bộ luật Hình sự cần sớm sửa đổi, bổ sung tội lãng phí. Phải có hình phạt thật nặng tội danh tham nhũng thì mới đủ sức răn đe và phòng chống.