Rà soát tình hình nợ lương, báo cáo thưởng Tết trên cả nước trước 27/12

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

ANTD.VN - Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu Sở LĐ-TB&XH các địa phương báo cáo tình hình lao động, tiền lương, tiền thưởng, nợ lương của doanh nghiệp trên địa bàn trước ngày 27/12.

Cần hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đúng các chế độ chính sách đối với người lao động

Cần hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đúng các chế độ chính sách đối với người lao động

Trong bối cảnh nền kinh tế, xã hội bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, để tăng cường công tác hỗ trợ, giám sát thực hiện pháp luật về lao động, tiền lương, quan hệ lao động trong các doanh nghiệp, nhất là trong điều kiện giáp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2021, Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn gửi các tỉnh, thành phố đề nghị báo cáo tình hình lao động, tiền lương, tiền thưởng, nợ lương của doanh nghiệp trên địa bàn.

Bốn loại hình doanh nghiệp được yêu cầu rà soát, gồm: Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước, doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, các Sở LĐ-TB&XH cần chủ động phối hợp với Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, liên đoàn lao động và các cơ quan liên quan nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, đời sống công nhân lao động trong các doanh nghiệp.

Qua đó, kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn thực hiện đúng các chế độ chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật, nhất là trong dịp tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2021.

Bên cạnh đó, các sở cần tuyên truyền, vận động để người lao động, người sử dụng lao động có những thỏa thuận, bảo đảm cùng nhau chia sẻ khó khăn trong bối cảnh bị tác động bởi đại dịch Covid-19.

Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp trên địa bàn; có biện pháp thích hợp để ngăn ngừa, giảm thiểu các tranh chấp lao động, đình công phát sinh trên địa bàn, nhất là vào giai đoạn trước và sau Tết.

Trong trường hợp có tranh chấp lao động, đình công phát sinh, các cơ quan chức năng, tổ chức cần nhanh chóng nắm bắt tình hình, hỗ trợ các bên tiến hành đối thoại, thương lượng để giải quyết bất đồng, không để đình công xảy ra kéo dài, lan truyền giữa các doanh nghiệp, gây ra tình trạng mất trật tự, an toàn xã hội.