Ra khỏi cổng chùa, sư tử đá đi đâu?

ANTĐ - Tiếp tục chuỗi các hoạt động nhằm đưa sư tử đá ra khỏi di tích, các cơ sở tín ngưỡng, hôm qua, 22-8, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên, đại diện lãnh đạo Cục Di sản Văn hóa, Thanh tra Bộ VHTTD&DL đã có cuộc kiểm tra đầu tiên tại Hà Nội, nơi sở hữu tới 1/3 số di tích trên toàn quốc. Chuyến kiểm tra được cho là đột xuất này cho thấy, hóa ra, di tích ở ta ẩn chứa rất nhiều “dị vật”, không chỉ riêng sư tử đá…

Sư tử đá ngự trên lầu mẫu, trong khi ở nước ngoài nó chỉ có nhiệm vụ canh mộ

Kiểm tra ra sai phạm

Cuộc kiểm tra ban đầu diễn ra khá bí mật, đề cao yếu tố đột xuất. Chỉ đến khi ngồi yên ổn trên xe, phóng viên mới được thông báo cụ thể nơi đến. Địa điểm đầu tiên được “chủ nhà” Sở VHTT&DL Hà Nội chọn “mở hàng” kiểm tra lần này là đền Ngọc Sơn, sau đó là chùa Gia Quất- quận Long Biên. Cuộc kiểm tra ở đền Ngọc Sơn diễn ra khá nhanh, 9h sáng đoàn có mặt tại chùa Gia Quất. Các cán bộ quận Long Biên, phòng Văn hóa quận đã chờ sẵn. Chùa được công nhận Di tích cấp thành phố vào năm 2008. Mặt bằng rộng rãi, thoáng mát, cổng chùa có 2 con sư tử bằng đá cẩm thạch, lông xoắn trôn ốc, nhe răng dữ tợn.

Đoàn kiểm tra đã gặp gỡ sư trụ trì Thích Đàm Hướng, góp ý những điều được và chưa được đang tồn tại, di vật nào đúng với tín ngưỡng văn hóa truyền thống, với các quy định của Luật Di sản Văn hóa. Ngoài việc yêu cầu lãnh đạo UBND quận Long Biên khẩn trương phối hợp với nhà chùa di dời 2 con sư tử ra khỏi khuôn viên di tích, đoàn kiểm tra cũng đề nghị gỡ bỏ hệ thống đèn lồng đỏ được treo ngoài hiên. Bên cạnh đó, Phó Chánh Thanh tra Phạm Xuân Phúc cũng gợi ý việc bỏ các bia công đức gắn vào tường phía hậu cung. Thay vào đó nên có sổ “vàng” lưu danh. Phó Chánh Thanh tra hoàn toàn có lý bởi gần đây chuyện phát tâm công đức nảy sinh nhiều vấn đề.

Ví như, Phật tử  phát tâm công đức rồi được khắc bia lưu danh muôn thuở. Ban đầu tưởng là việc hay, hóa ra ngày càng dở. Nhiều chùa tôn vinh sự thiện tâm bằng cách khắc bia (tất nhiên muốn thiện tâm cũng phải có giá, ví như phải công đức đủ bao nhiêu tiền mới được khắc tên bia đá). Bia được dựng công khai ở chùa, để tăng tính thiêng thế là sáng kiến đặt thêm bát hương. Du khách ở xa mắt nhắm mắt mở cứ thấy ở đâu có bát hương là khấn vái sì sụp. Thế là bao người còn sống sờ sờ ra đấy cũng vẫn được thắp hương cúng quanh năm. 

Địa điểm tiếp sau đoàn kiểm tra đến là cụm đình chùa Mộ Lao- Hà Đông, nơi 2 con sư tử đá ngạo nghễ ngự ngoài cổng đình. Chùa nằm cách đình vài chục mét có tận 6 con. Cá biệt, hai sư tử kiểu “hắc thạch bạch vân” còn leo cả lên lầu Mẫu để ngự. Tại đây đoàn kiểm tra chỉ ra nhiều sai phạm, từ việc bài trí hệ thống tượng trong chùa, hệ thống dây điện sao cho đảm bảo an toàn PCCC, các loại lọ hoa, độc bình cho tới hoa giả và cả hoành  phi câu đối. Không hiểu sao ở đình Mộ Lao có tới 44 câu đối. Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Nguyễn Văn Toàn thắc mắc, đình sao nhiều câu đối mới tinh thế này, đưa vào đã được phép của Bộ VHTT&DL hay chưa và nội dung các câu đối được ai thẩm định?

Đưa sư tử đi đâu?

Đó là câu hỏi của cả thủ từ đình Mộ Lao- Bạch Ngọc Thụy và cán bộ văn hóa quận Hà Đông. Riêng chùa Mộ Lao đã có tới 6 sư tử đá, đó còn chưa kể cầu đá rồi đèn đá. Tất cả đều không nằm trong hệ thống di vật chùa, không thuộc văn hóa Việt Nam. Ngay Tam bảo, chùa đưa rất nhiều tượng Dược Sư vào thờ, nhưng việc sắp xếp hoàn toàn theo ngẫu hứng, không tuân thủ nguyên tắc truyền thống của chùa Việt. Việc chùa Mộ Lao đưa tượng mới do cá nhân cung tiến, xây mái tôn làm ảnh hưởng cảnh quan di tích, đưa tượng Quan âm Bạch y vào trước cửa Tam Bảo thờ cũng chưa hề có sự đồng ý của Sở VHTT&DL Hà Nội cũng như cơ quan quản lý Nhà nước cao hơn là Cục Di sản Văn hóa.

Khi đoàn đến đình Mộ Lao cũng là lúc đang hòm hòm việc xây dựng cổng phía ngoài đình, chỉ chờ quét vôi nữa là xong. Hình chim phượng hoàng bằng sứ được gắn lên đỉnh cột. Phía bên ngoài còn có thêm 2 con vật nửa giống con nghê, đuôi cong lên giống con sóc, mặt hớn hở… cũng ngự yên trên cột. Khi cán bộ Cục Di sản Văn hóa thắc mắc hỏi: “Con gì đây?”, cán bộ của phòng Văn hóa quận Hà Đông rất nhanh trí trả lời: “À, đó là gắn thử lên xem thế nào, chỉ là thử thôi. Mấy hôm nữa bỏ đi thay con khác”. Hy vọng “quái thú” kia đúng là thứ gắn thử thật, nếu không thì di tích ở ta lại có thêm một con thú lạ, không rõ nguồn gốc xuất xứ ngự ở trên cao.

Hà Nội là địa phương triển khai văn bản 2662/BVHTTDL-MTNATL về việc “Không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam” đầu tiên. Vì thế, theo Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên, trước mắt cần tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu rõ quy định, chấp hành, không gây xáo động trong nhân dân. Dự kiến, ngày 27-8 tới, Bộ VH-TT&DL sẽ có buổi làm việc với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban trị sự Phật giáo Việt Nam để tìm những biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở thờ tự, di tích và người dân cách phân biệt và loại trừ những hiện vật “ngoại lai”. Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên cho biết thêm, từ nay đến trung tuần tháng 12 sẽ đẩy mạnh tuyên truyền vận động. Bắt đầu từ cuối tháng 12 là thời điểm thanh tra, kiểm tra.

Ngay sau cuộc kiểm tra, cả sư thầy Thích Đàm Hướng, trụ trì chùa Gia Quất và thủ từ đình Mộ Lao đều vui vẻ cho biết, sẽ phối hợp với phòng quản lý văn hóa quận, ban quản lý di tích phường họp dân, tuyên truyền vận động và di dời sư tử đá trước ngày 15-9. Câu hỏi mà nhiều người thắc mắc, “sư tử đá ngoại này sẽ đưa đi đâu?” - vẫn chưa được giải đáp thỏa đáng. Nếu là di dời vào kho thì chẳng nhẽ chúng ta cứ giữ mãi một thứ không có giá trị gì về văn hóa trong lòng di tích. Giữ bao nhiêu năm? Đưa ra nơi công cộng mà để thì lại càng không thể. Có họa sĩ đùa rằng, nên mang hết sư tử ngoại về làm một tác phẩm sắp đặt. Nhìn vào đó thấy bài học của ngày hôm nay!. Ý tưởng này xem ra chẳng hay cũng chẳng dở. Vì  cái gì không phù hợp thì nên loại bỏ khỏi đời sống xã hội. Nhưng nếu loại bỏ thì lại nảy sinh câu hỏi: Bỏ bằng cách nào?