Quyết ngăn chặn tình trạng buôn bán, sử dụng pháo nổ để Hà Nội đón Tết an toàn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trước cao điểm phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, CATP Hà Nội đã tập trung đấu tranh với các hành vi sản xuất, tàng trữ buôn bán pháo nổ.

Những con số “khủng”

Tại hội nghị triển khai công tác năm của lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky - Phó Giám đốc CATP Hà Nội đã nêu rõ, năm 2022 CATP Hà Nội đã bắt giữ hơn 7 tấn pháo nổ trong điều kiện các cửa khẩu biên giới phía Bắc vẫn bị nước bạn phong tỏa để phòng dịch Covid-19, điều đó cho thấy tình trạng mua bán pháo nổ vẫn có diễn biến phức tạp. Điển hình là vụ việc xảy ra tại huyện Thường Tín vừa qua. Ngày 12-10-2022, CAH Thường Tín nắm được thông tin về việc tại dãy phòng trọ gần khu vực kho K74 thuộc thôn Vĩnh Lộc, xã Thư Phú, có đối tượng nghi vấn cất giấu, tàng trữ hàng cấm (pháo nổ). Ngày 14-10, khám xét khẩn cấp nhà trọ trên, lực lượng chức năng phát hiện có 406 thùng carton, mỗi thùng chứa 12 hộp, mỗi hộp chứa 36 ống pháo hoa nổ, tổng trọng lượng số pháo là gần 7 tấn. Đây được xem là vụ mua bán, tàng trữ trái phép số lượng pháo lớn nhất từ trước đến nay bị phát hiện trên địa bàn Hà Nội.

Quá trình điều tra xác định, chủ của số pháo nổ trên là Nguyễn Mạnh Phái (SN 1998) trú cùng xã Thư Phú. Tại cơ quan công an, Phái khai nhận năm 2020 quen 1 đối tượng ở khu vực biên giới phía Bắc và thường trò chuyện qua tài khoản mạng xã hội Wechat. Tháng 9-2022, đối tượng nhờ Phái chuẩn bị kho để chứa một số lượng lớn pháo nổ do Trung Quốc sản xuất, dự định đến cuối năm sẽ vận chuyển vào khu vực phía Nam tiêu thụ. Nếu Phái đồng ý thì sẽ trả công thuê nơi tập kết 10 triệu đồng/tháng. Phái đồng ý và thuê phòng trọ để tập kết pháo. Khoảng ngày 9-9, đối tượng ở vùng biên liên hệ với Phái và đã tìm cách vận chuyển pháo về cất giấu tại phòng trọ nêu trên. Sau khi hàng về, Phái đã mở một số thùng kiểm tra, khi biết bên trong là pháo nổ liền khóa cửa phòng trọ cho đến khi bị phát hiện, bắt giữ.

Đối tượng mua bán pháo nổ bị CAH Thanh Trì phát hiện, bắt giữ

Đối tượng mua bán pháo nổ bị CAH Thanh Trì phát hiện, bắt giữ

Liền sau đó, thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh, CAQ Bắc Từ Liêm cũng đã phát hiện một đường dây sản xuất, mua bán pháo nổ qua mạng do Ngô Ngọc Định (SN 2006, trú tại xóm Cao Khàn, xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) cầm đầu. Định đã lên mạng học cách làm pháo, mua thuốc pháo về tự nhồi và rao bán trên mạng xã hội. Để ngụy trang các bánh pháo nổ, Định đã cuốn quần áo bên ngoài để tránh máy soi chiếu rồi gói như hàng hóa bình thường và mang ra bưu cục gửi. Trên gói hàng chỉ ghi địa chỉ người nhận mà không có địa chỉ người nhận.

Cũng với thủ đoạn này, Nguyễn Quang Huy (SN 2000, trú tại huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) cũng đã bị CAQ Hà Đông phát hiện, bắt giữ. Quá trình khám xét đối với Huy, cơ quan công an ghi nhận nơi đối tượng sản xuất pháo, thu giữ nhiều công cụ phương tiện sản xuất pháo nổ. Huy khai đã lên mạng xã hội đặt mua nguyên liệu, thuốc pháo và học cách tự sản xuất. Cơ quan điều tra thu giữ hơn 13kg pháo nổ cùng các công cụ, nguyên liệu sản xuất pháo. Ngoài hơn 7 tấn pháo nổ đã bị phát hiện, cơ quan công an còn thu được gần 9kg thuốc pháo do các đối tượng tự mua trên mạng xã hội, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, cháy, nổ tại khu vực dân cư.

Huy động tổng lực các biện pháp

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, càng đến gần Tết Nguyên đán, tình trạng buôn bán, sản xuất pháo nổ càng có nhiều diễn biến phức tạp. “Để Hà Nội có một mùa Xuân không tiếng pháo nổ cần phải kiên quyết ngăn chặn tình trạng sản xuất, mua bán pháo. Người đứng đầu công an các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng đốt pháo nổ, các hành vi vi phạm liên quan đến pháo nổ” - Phó Giám đốc CATP Hà Nội nhấn mạnh.

Để triển khai hiệu quả mệnh lệnh của Ban Giám đốc CATP, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH đã tham mưu Ban Giám đốc triển khai cao điểm phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đến tất cả các đơn vị trong toàn thành phố. Sau 45 ngày thực hiện cao điểm (từ 15-11 đến 30-12-2022), các đơn vị thuộc CATP đã phát hiện, khám phá 34 vụ việc, 44 đối tượng có liên quan đến các hành vi vi phạm về quản lý và sử dụng pháo, thu giữ gần 550kg pháo các loại, 8,63kg thuốc pháo. Trong đó, chế tạo, sản xuất trái phép pháo nổ là 4 vụ, 6 đối tượng; mua bán trái phép pháo nổ 8 vụ, 14 đối tượng; vận chuyển trái phép pháo nổ 3 vụ, 2 đối tượng; tàng trữ trái phép pháo 10 vụ, 10 đối tượng; sử dụng trái phép pháo nổ 9 vụ, 12 đối tượng. Cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 11 vụ, 12 đối tượng; xử lý hành chính 6 vụ, 9 đối tượng, phạt số tiền 52,5 triệu đồng; còn 21 vụ, 27 đối tượng đang điều tra, làm rõ.

Thượng tá Lê Quang Hùng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH nhìn nhận, việc cho phép được mua bán một số loại pháo do Bộ Quốc phòng sản xuất dẫn đến việc rất nhiều đối tượng đầu cơ, cò mồi đã mua pháo với số lượng lớn rồi sau đó bán lại với giá cao cho người tiêu dùng để thu lợi bất chính gây khó khăn cho công tác quản lý của các lực lượng chức năng. Thêm vào đó, xuất hiện tình trạng một số đối tượng lợi dụng mua pháo do Bộ Quốc phòng sản xuất, sau đó tháo lấy thuốc pháo để tự chế tạo trái phép pháo nổ theo các video hướng dẫn trên mạng xã hội rồi sử dụng hoặc bán kiếm lợi.

Cùng với đó, việc đấu tranh với đối tượng lợi dụng dịch vụ bưu chính để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo gặp nhiều khó khăn do đối tượng thường giấu tên, địa chỉ hoặc sử dụng tên, địa chỉ giả, số điện thoại giả để giao dịch, vận chuyển. Hiện đã nổi lên tình trạng một số đối tượng ngụy trang vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo trong các thùng carton in nhãn mác hoa quả hoặc hàng hóa khác để vận chuyển bằng phương tiện giao thông nhằm tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng như vụ việc xảy ra tại huyện Thường Tín và quận Bắc Từ Liêm nêu trên. Các đối tượng thường hoạt động trong các nhóm kín trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber... sử dụng các tài khoản ảo, không có thông tin cá nhân, việc mua bán được liên lạc qua sim rác gây khó khăn cho công tác xác minh, đấu tranh.

Với quyết tâm ngăn chặn pháo nổ, Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an quận, huyện, thị xã, nhất là lực lượng công an xã chính quy tổ chức rà soát, xác định phương thức thủ đoạn, tuyến, địa bàn, khu vực trọng điểm về hoạt động chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo, nhất là những địa bàn, khu vực những năm trước còn xảy ra tình trạng đốt pháo nhiều, phức tạp về an ninh, trật tự để tổ chức tuyên truyền, vận động và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, ngăn chặn.

Tăng cường công tác kiểm tra, tuần tra khép kín địa bàn; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi chế tạo, mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị chức năng để xử lý, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thường xuyên phối hợp với Sở Thông tin và truyền thông để có biện pháp ngăn chặn các trang web, mạng xã hội của một số đối tượng xấu đăng tải video hướng dẫn sản xuất trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo có hiệu quả. Chủ động phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp đưa ra xét xử lưu động các vụ án điểm liên quan đến các hành vi sản xuất, mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo và thuốc pháo, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nhằm răn đe, giáo dục chung.