Quyết liệt triển khai 'chiến dịch' 30 ngày đêm thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chíp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thần tốc, chính xác và quyết liệt, đó là yêu cầu, nhiệm vụ mà Ban Chỉ huy Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đặt ra cho “chiến dịch” 30 ngày đêm cao điểm thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chíp. 

Vất vả, hy sinh, nhưng cán bộ chiến sĩ Công an quận Hoàn Kiếm vẫn đang nỗ lực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Phân tầng, chia cấp đôn đốc đến từng hộ dân

Có mặt tại Công an phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, dù giữa trưa nhưng cán bộ chiến sĩ vẫn miệt mài bên danh sách công dân chưa làm căn cước công dân gắn chíp. Từng cuộc điện thoại gọi đi với giọng ôn tồn, nhẫn nại của chiến sĩ Cảnh sát khu vực.

“Ở đây công dân phổ biến là lao động phổ thông, do vậy chúng tôi thường tranh thủ gọi điện thoại vào ngoài giờ làm việc thì mới gặp được họ. Gọi được là một chuyện, mời được họ lên trụ sở cấp căn cước công dân gắn chíp là một chuyện khác” - Đại úy Quách Văn Tuấn, cán bộ phường Chương Dương cho biết.

Số lượng người dân lên làm căn cước công dân gắn chíp tại trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm khá đông

Số lượng người dân lên làm căn cước công dân gắn chíp tại trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm khá đông

Trước thời điểm triển khai Mệnh lệnh 01 của Giám đốc CATP Hà Nội, phường Chương Dương có khoảng 800 công dân diện KT1 (ăn ở thực tế tại địa bàn) chưa làm căn cước công dân gắn chíp. Qua điều tra cơ bản, Công an quận Hoàn Kiếm xác định, số này rơi vào những công dân đã cao tuổi, không có nhu cầu làm lại căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân, do giấy tờ vẫn còn hiệu lực; hoặc người lao động, ít giao dịch hoặc thực hiện các thủ tục hành chính và cả đối tượng nghiện ma túy.

“Các đối tượng nghiện ma túy này tâm lý e ngại lực lượng công an. Chúng tôi cũng tuyên truyền, giải thích, vận động nhiều lần nhưng họ vẫn lảng tránh và lấy lý do giấy tờ còn hiệu lực. Khó khăn lớn nhất chính là nhận thức, hiểu biết của họ còn hạn chế dù đã được Cảnh sát khu vực và tổ trưởng dân phố giải thích về lợi ích của việc làm căn cước công dân gắn chíp tích hợp định danh điện tử” - Trung tá Nguyễn Chiến Thắng, Phó trưởng Công an phường Chương Dương thông tin.

Là địa bàn đông dân cư và có số lượng công dân chưa làm căn cước công dân chiếm 1/3 tổng số trên toàn quận, do vậy, ngay khi triển khai Mệnh lệnh 01, Ban Chỉ huy Công an quận Hoàn Kiếm đã trực tiếp xuống địa bàn, làm việc với từng Cảnh sát khu vực, lắng nghe những khó khăn, vướng mắc để tìm ra giải pháp khắc phục.

“Chúng tôi chia và phân công cho tất cả các đồng chí trong Ban Chỉ huy Công an quận quản lý, theo dõi, đôn đốc Công an các phường trong việc triển khai Mệnh lệnh 01, chứ không riêng gì đồng chí Phó trưởng Công an quận phụ trách. Đối với cấp phường, mỗi đồng chí trong Ban Chỉ huy Công an phường lại phụ trách các địa bàn và quy trách nhiệm đến từng cán bộ chiến sĩ từ Cảnh sát khu vực đến các cấp chỉ huy.

Ngoài ra, những trường hợp Cảnh sát khu vực và tổ dân phố gọi, mời lên làm căn cước công dân gắn chíp nếu không được, sẽ giao cho Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội phối hợp với Chỉ huy Công an phường xuống làm việc trực tiếp. Nếu vẫn không mời được, Chỉ huy Công an quận phụ trách địa bàn phường phải xuống tận nơi gặp gỡ, chia sẻ, động viên công dân. Đây là biện pháp quyết liệt đã quán triệt ngay khi triển khai Mệnh lệnh 01 của Giám đốc CATP Hà Nội” - Đại tá Hà Mạnh Hùng, Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm khẳng định.

Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc

Đại úy Lê Thanh Đạo - Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, địa bàn quận có hơn 2.000 trường hợp KT1 chưa làm căn cước công dân gắn chíp. Cho đến nay, sau gần 1 tuần triển khai đã có 1.227 trường hợp được làm thủ tục, song song với tích hợp tài khoản định danh điện tử. Số còn lại đơn vị đang tiếp tục tuyên truyền, vận động.

Cán bộ chiến sĩ Công an quận Hoàn Kiếm đang dốc toàn lực để hoàn thành mục tiêu "chiến dịch" 30 ngày đêm thu nhận hồ sơ, cấp căn cước công dân gắn chíp

Cán bộ chiến sĩ Công an quận Hoàn Kiếm đang dốc toàn lực để hoàn thành mục tiêu "chiến dịch" 30 ngày đêm thu nhận hồ sơ, cấp căn cước công dân gắn chíp

Đối với những trường hợp KT2 (công dân có hộ khẩu trên địa bàn nhưng sinh sống ở nơi khác), một mặt đơn vị tiếp tục gửi giấy mời, gọi điện thoại cho công dân mời lên làm căn cước công dân gắn chíp, mặt khác sẽ trao đổi với công an cơ sở nơi công dân tạm trú để hỗ trợ cho những trường hợp có địa chỉ cụ thể, rõ ràng, chính xác và tạo biến động trên hệ thống.

“Vì điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện hạn chế, nên chúng tôi cũng đã lên lịch cấp ngoài giờ tại Công an các phường. Tất cả các trường hợp chưa làm căn cước công dân gắn chíp ban ngày, sẽ lên trụ sở Công an quận thực hiện các thủ tục cấp, buổi tối sẽ đến Công an phường theo lịch phân công trong kế hoạch. Cao điểm 30 ngày đêm yêu cầu thần tốc, do vậy cán bộ chiến sĩ phải dốc toàn lực để hoàn thành nhiệm vụ” - Đại úy Lê Thanh Đạo nói.

Không chỉ tăng cường làm thêm giờ, ngoài giờ, đối với những trường hợp già, yếu, liệt… Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an quận Hoàn Kiếm phối hợp với Công an các phường triển khai cấp tại nhà. Chỉ tính riêng địa bàn phường Chương Dương, đã có 50 trường hợp được đề nghị cấp lưu động tại nhà công dân, đảm bảo đúng tiến độ đề ra.

Bên cạnh đó, Chỉ huy công an 18 phường phải trực 24/24h để phục vụ làm sạch dữ liệu đối với những trường hợp thông tin sai, thiếu hoặc bổ sung thông tin… Hàng ngày, các đơn vị sẽ báo cáo Ban Chỉ huy Công an quận số lượng đã cấp mới, số chưa mời được để có biện pháp xử lý.

“Đây là một “chiến dịch” đòi hỏi cán bộ chiến sĩ phải dốc toàn lực nên rất vất vả. Để nhiệm vụ được triển khai quyết liệt, đạt hiệu quả cao nhất, chúng tôi đã có văn bản tham mưu cho Đảng ủy, UBND quận huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Bởi việc cấp căn cước công dân gắn chíp tích hợp tài khoản định danh điện tử hướng tới Chính phủ điện tử là chủ trương đúng đắn, phục vụ nhân dân một cách tốt nhất trong thời đại số hóa. Mong rằng, người dân sẽ ủng hộ và nghiêm túc thực hiện để “chiến dịch” tốc chiến, tốc thắng. Đây chính là nỗ lực của quận Hoàn Kiếm với mục tiêu mang lại lợi ích, giảm bớt sự phiền hà cho người dân trong thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính” - Đại tá Hà Mạnh Hùng nhấn mạnh.