Quyết định chưa từng có của Mỹ nhằm giải cứu giá dầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bất chấp hàng loạt biện pháp giải cứu, trong đó có quyết định mở với quy mô lớn kho dầu dự trữ của Mỹ, giá dầu trên thế giới vẫn diễn biến khó lường. Tương lai của thị trường dầu mỏ vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Mỹ giải phóng 180 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược

Trong một quyết định được đánh giá là “chưa từng có tiền lệ”, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo sẽ xuất từ Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) 1 triệu thùng/ngày trong vòng 6 tháng tới. Trong lịch sử thế giới, chưa từng xảy ra việc phải xuất lượng dầu dự trữ lên tới 1 triệu thùng/ngày trong thời gian lâu như vậy.

Mới đầu tháng 3 vừa rồi, SPR cũng đã giải phóng 30 triệu thùng dầu dự trữ trong giai đoạn chuyển tiếp mà Nhà Trắng hy vọng sẽ tìm được các nguồn bổ sung sản lượng từ các hoạt động sản xuất khác mà chính quyền mong đợi vào cuối năm nay. Số dầu giải phóng của Mỹ chiếm tới 50% trong tổng số 60 triệu thùng mà Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) thông qua trong quyết định mở kho dầu dự trữ lần thứ hai trong lịch sử. Cách đây 47 năm, khi cuộc chiến tranh Vùng Vịnh nổ ra năm 1991, IEA cũng từng mở kho dự trữ dầu thô chiến lược.

Mỹ quyết định mở kho dự trữ dầu chiến lược để giải cứu giá dầu

Mỹ quyết định mở kho dự trữ dầu chiến lược để giải cứu giá dầu

Tuy nhiên, bất chấp các động thái mạnh của Mỹ và IEA vào thời điểm đầu tháng 3-2022, giá dầu vẫn tăng cao. Trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra căng thẳng, nhiều khách hàng lại từ chối nhập khẩu dầu mỏ của Nga theo lệnh cấm vận của Mỹ và châu Âu, nguồn cung tổng thể trên thế giới đang có xu hướng ít hơn và nhu cầu tìm kiếm nguồn dầu mỏ từ các nguồn khác ngoài Nga tăng lên.

Hiện nay, mỗi ngày Nga xuất khẩu 7,5 triệu thùng dầu thô. Vì vậy, việc xả kho bù đắp của Mỹ và IEA còn thấp hơn nhiều so với sản lượng của Nga. Trong khi đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) cũng chỉ thống nhất sẽ nâng sản lượng thêm 432.000 thùng/ngày kể từ tháng 5-2022, cao hơn một chút so với mức 400.000 thùng/ngày mà khối này thông báo những tháng trước. Trong giai đoạn từ tháng 12-2021 đến 1-2022, OPEC+ đã tăng sản lượng thêm 64.000 thùng/ngày.

Quyết định giải cứu giá dầu của Mỹ diễn ra trong bối cảnh giá xăng tăng cao tại Mỹ đã trở thành một vấn đề chính trị đối với Tổng thống Joe Biden và đảng Dân chủ, khi cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới. Trước đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã phải chịu nhiều áp lực khi giá cả tiêu dùng tăng, khiến đảng Cộng hòa chỉ trích gay gắt.

Giá xăng tăng cao đang gây ra nhiều tác động, đặc biệt với những bang nằm trong “Vành đai Mặt trời” - vùng công nghiệp ở phía Nam và ven Thái Bình Dương của Mỹ. Dựa trên 6 điểm dữ liệu, SmartAsset - một trang web thông tin tài chính tập trung vào người tiêu dùng đã đánh giá tình hình tại toàn bộ 50 bang của Mỹ để xác định mức độ ảnh hưởng do chi phí nhiên liệu tăng cao. Kết quả là khu vực “Vành đai Mặt trời” ở miền Nam với các bang Alabama, Mississippi và Tennessee bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo tính toán, một hộ gia đình có một ô tô ở Alabama phải chi 4,25% thu nhập hàng tháng cho tiền xăng.

Hiện chính quyền Mỹ đang cân nhắc tạm thời dỡ bỏ một số hạn chế bán đối với xăng hỗn hợp có hàm lượng ethanol cao trong mùa Hè như một cách hạ nhiệt giá nhiên liệu cho người tiêu dùng Mỹ. Thêm ethanol vào xăng có thể làm giảm giá xăng, do ethanol được làm từ ngô và hiện có giá rẻ hơn xăng. Chính quyền Mỹ cũng đang gây sức ép với các công ty dầu mỏ trong nước để tăng cường hoạt động khai thác trên các vùng đất của liên bang, những nơi đã phê duyệt giấy phép khoan thăm dò nhưng chưa triển khai. Nhà Trắng cho biết sẽ kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật buộc các công ty phải trả phí cho các giếng dầu từ hợp đồng thuê đã không sử dụng trong nhiều năm và trên những khu đất công không có hoạt động khai thác. Hiện ngành công nghiệp dầu khí ở Mỹ sử dụng hơn 10 triệu lao động và chiếm khoảng 8% tổng sản phẩm quốc nội của quốc gia.

Cần đầu tư 600 tỷ USD cho ngành dầu khí từ nay đến năm 2030

Trước mắt, quyết định giải cứu giá dầu của Mỹ cũng phần nào có tác dụng. Giá dầu thô đã giảm hơn 5 USD/thùng chỉ trong vài phút, sau khi có thông tin 1 triệu thùng/ngày sẽ được giải phóng khỏi kho dự trữ chiến lược của Mỹ trong 180 ngày. Trên Sàn giao dịch hàng hóa New York, giá dầu WTI giao tháng 5 đã giảm 7,54 USD, tương đương 7% xuống 100,28 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent Biển Bắc giao tháng 5 cũng giảm 5,54 USD, tương đương 4,9% xuống 107,91 USD/thùng trên Sàn giao dịch ICE London.

Tuy nhiên, nhìn về lâu dài, chưa thể khẳng định giá dầu sẽ trở lại tình trạng bình thường. Theo Bộ Năng lượng Mỹ, dự trữ dầu mỏ chiến lược của Mỹ là một mạng lưới các hang dưới lòng đất ở bang Texas và Louisiana, chúng có thể chứa hơn 700 triệu thùng dầu nhưng hiện chỉ có khoảng 568 triệu thùng, giảm so với hơn 650 triệu thùng vào giữa năm 2021. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 5-2002. Việc giải phóng 180 triệu thùng có nghĩa là kho dầu của Mỹ sẽ giảm hơn 30%. Mặc dù có thể giảm giá nhiên liệu trong ngắn hạn, nhưng điều này có thể khiến nhu cầu tăng lên trong dài hạn khi Mỹ cần nạp thêm lượng dầu dự trữ. Mỹ được IEA coi là nước xuất khẩu dầu ròng. Nhưng tình trạng đó có thể thay đổi thành nhà nhập khẩu ròng trong năm nay do sản lượng phục hồi chậm sau đại dịch Covid-19.

Trong khi đó, kế hoạch thay thế các nguồn nhiên liệu hóa thạch như dầu lửa bằng các nguồn năng lượng sạch khác không dễ dàng như dự đoán. Theo Tổng thư ký Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) Mohamed Barkindo, dầu mỏ và khí đốt sẽ vẫn chiếm hơn 50% tổng khối lượng năng lượng toàn cầu vào năm 2045 và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng ngay cả khi thế giới hướng tới các nguồn năng lượng sạch hơn. Hơn thế nữa, dân số thế giới sẽ tăng 20% vào năm 2045, khiến nhu cầu năng lượng tăng theo.

Chính vì thế, các nhà phân tích cho rằng, việc đáp ứng nhu cầu năng lượng phải được thực hiện nghiêm túc, song song với việc theo đuổi các mục tiêu liên quan chuyển đổi năng lượng. Trước mắt, cần tăng cường đầu tư vào lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng trên thị trường toàn cầu. Theo con số thống kê, đầu tư vào ngành dầu khí đã giảm 50% do sự sụt giảm giá dầu trong các năm 2015-2016, trước khi giảm 30% năm 2020 và đi ngang trong năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Theo ông Sultan Al Jaber, Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ tiên tiến Tiểu vương quốc Arập thống nhất, ngành dầu khí cần khoản đầu tư trị giá 600 tỷ USD trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 để bắt kịp với nhu cầu đang gia tăng. Còn trong dài hạn đến năm 2045, ngành này sẽ cần nguồn vốn đầu tư khoảng 11.800 tỷ USD cho các hoạt động thăm dò, khai thác, sản xuất và tinh chế.