Quyền Bộ trưởng Y tế: Việt Nam thuộc nhóm 4 quốc gia điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Báo cáo trước Quốc hội, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, cùng với Anh, Đức và Thụy Sĩ, Việt Nam thuộc nhóm 4 quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới hiện nay.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Sáng nay, 23-10, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS.

Trình bày tờ trình dự án Luật này trước Quốc hội, Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Sau khi Luật Phòng chống HIV/AIDS được ban hành năm 2006, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta đã được triển khai rộng rãi, đồng bộ và có hiệu quả cao.

Trung bình, hằng năm cả nước xét nghiệm HIV cho trên 700.000 lượt người nguy cơ cao, phát hiện 8.000-10.000 người nhiễm HIV mới. Hiện nay đang điều trị thường xuyên, liên tục cho 53.000 nghiện ma túy bằng thuốc thay thế Methadone và 150.000 bệnh nhân HIV/AIDS bằng thuốc ARV.

Trong 12 năm qua, tình hình dịch HIV/AIDS liên tục thuyên giảm. Tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng được khống chế ở mức dưới 0,3%. Theo ước tính của UNAIDS, Việt Nam đã dự phòng cho khoảng 400.000 người không bị nhiễm HIV và 150.000 người không bị tử vong do HIV/AIDS.

Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: “Việt Nam thuộc 4 quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới hiện nay cùng với Anh, Đức, Thụy Sĩ. Cộng đồng quốc tế đánh giá Việt Nam là một trong những điểm sáng trên thế giới về phòng, chống HIV/AIDS”.

Dù vậy, ông Long cũng cho biết, một số quy định của Luật Phòng chống HIV/AIDS hiện đã bộc lộ các tồn tại, bất cập, như: Việc quy định đối tượng được thông báo, tiếp cận thông tin người nhiễm HIV còn thiếu và chưa đảm bảo tính thống nhất với các luật liên quan; quy định về xét nghiệm cho trẻ em dưới 16 tuổi, bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối không còn phù hợp với thực tiễn.

“Đặc biệt, sự không thống nhất giữa Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật phòng, chống ma túy và Luật HIV về quy định người nghiện ma túy tự nguyện tham gia điều trị nghiện bằng thuốc thay thế dẫn đến họ vẫn có thể bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc” – GS Nguyễn Thanh Long phân tích…

Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS được bố cục gồm 3 Điều. Trong đó: Điều 1 sửa đổi, bổ sung 14 điều của Luật HIV 2006; Điều 2 bãi bỏ 2 Điều của Luật HIV 2006, bao gồm Điều 42 và Điều 44; Điều 3 về Hiệu lực thi hành.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm, dự thảo Luật dựa trên hai chính sách: Bổ sung đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV và Bảo đảm quyền được tiếp cập dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của mọi đối tượng.

Đáng chú ý, dự thảo luật đã: bổ sung nghĩa vụ của người nhiễm HIV phải thông báo tình trạng nhiễm HIV cho người có quan hệ tình dục với mình để phòng lây nhiễm HIV cho người đó (Điểm a, khoản 1 Điều 4 Luật HIV 2006); bổ sung nguồn chi trả xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai từ Quỹ Bảo hiểm y tế.

Đồng thời, bãi bỏ Điều 42 về tạm đình chỉ điều tra, miễn chấp hành hình phạt đối với người bị AIDS giai đoạn cuối; dự thảo luật cũng quy định giảm độ tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV của trẻ em từ đủ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi…