Cần một quy hoạch hợp lý để chấm dứt tình trạng lộn xộn tại lễ hội
Như muối bỏ biển
Hiện cả nước có gần 8.000 lễ hội, làm một phép tính đơn giản, trung bình mỗi ngày diễn ra trên dưới 20 lễ hội. Điểm qua một vài lễ hội lớn như Lễ hội Chùa Hương, Lễ hội Yên Tử, Hội Lim và mới đây là khai ấn đền Trần,… Lễ hội nào cũng đầy rẫy những hình ảnh chướng tai gai mắt. Từ việc “mua thần bán thánh”, chen lấn xô đẩy, dẫm đạp lên nhau cướp lộc, đua nhau cọ tiền vào bất cứ thứ gì trong di tích để lấy may, đến cả chuyện “quan họ quyên tiền”, bị cấm thì tìm đủ cách để “lách luật”…Những bất cập xảy ra tại các lễ hội không phải là chuyện mới mà đã tồn tại nhiều năm nay. Nhưng dù các nhà quản lý đề ra mọi biện pháp nhằm khắc phục vẫn chỉ như “muối bỏ biển”.
Lo ngại tình trạng chen lấn xô đẩy của hàng vạn người trong đêm phát ấn tại đền Trần Nam Định như mọi năm, các nhà quản lý đã quyết định rời thời điểm phát ấn sang 7h sáng ngày 15 âm lịch. Thế nhưng vào đêm ngày 14 hàng vạn người vẫn dồn về đền Trần, mặc cho gần 3.000 cán bộ chiến sĩ công an căng sức bảo vệ. Như lời nhận xét của Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền - Viện nghiên cứu nghệ thuật Việt Nam: “Ở Việt Nam, hiệu ứng đám đông quá lớn, bởi vậy lễ hội đã trở thành nơi người ta tận dụng cơ hội để chụp giật, vụ lợi. Lễ hội ở Việt Nam hiện nay như một nồi lẩu, ai muốn bỏ gì vào cũng được mà không quan tâm đến hệ lụy đằng sau đó. Giờ ở đâu cũng có lễ hội, thậm chí nhiều nơi còn phục dựng lại những lễ hội đã thất truyền. Có nhiều lễ hội thậm chí còn bị lên án kịch liệt, phản đối đòi xóa bỏ như lễ hội chém lợn của làng Ném Thượng (Tiên Du, Bắc Ninh). Thế nhưng, không phải cứ nói bỏ là bỏ được ngay. Con gà tức nhau tiếng gáy, làng anh có lễ hội thì làng tôi cũng phải có lễ hội. Đơn cử như việc có tới ba nơi cùng tổ chức phát ấn đền Trần là Nam Định, Thái Bình và Thanh Hóa. Vậy sẽ bỏ cái nào hay chỉ đơn giản bỏ luôn chuyện phát ấn?”. Vì thế cho nên, trong Dự thảo Đề án Quy hoạch tổng thể lễ hội toàn quốc giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030 đã đề ra quyết tâm tới năm 2020 sẽ đưa toàn bộ gần 9.000 lễ hội trên vào quy hoạch.
Vẫn còn nan giải
Vậy đâu mới thực sự là căn nguyên của những biến tướng trong lễ hội thời gian qua? Nhiều người cho rằng đó là do sự yếu kém trong công tác quản lý lễ hội. Số khác lại đổ cho ý thức yếu kém của những người dân tham gia lễ hội. Thậm chí, có người cho rằng lý do chính ở tần suất, quy mô của các lễ hội hiện nay. Ông Phạm Văn Thủy, Cục trưởng Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) khẳng định “Bộ VH-TT-&DL đang lên kế hoạch giảm tần suất, quy mô các lễ hội nhằm hạn chế những biến tướng. Qua đó, sẽ quy định, phân trách nhiệm quản lý lễ hội đến các tỉnh, huyện, xã. Với mục tiêu giảm quy mô và tần suất lễ hội, có lễ hội hiện mỗi năm làm một lần song sau này có thể chỉ 5 năm tổ chức một lần. Các lễ hội dân gian phù hợp điều kiện hiện tại sẽ được tồn tại, thậm chí có lễ hội cần phục dựng, còn những lễ hội không phù hợp sẽ được bỏ đi.
Do tồn tại lịch sử, số lượng lễ hội dân gian ở nước ta quả thực quá lớn, trùng lặp, tỉnh này và tỉnh khác cùng thờ một người. Ví dụ Nam Định và Thái Bình đều có lễ hội đền Trần, do đó một trong hai lễ hội này cần loại bỏ để đảm bảo trang trọng, tiết kiệm”. Vậy phải bỏ lễ hội đền Trần ở Nam Định hay Thái Bình? Như GS Trần Lâm Biền đã khẳng định: “Lễ hội tồn tại là tự thân nó, nếu không phù hợp nó sẽ tự loại bỏ, không ai được tự cho mình cái quyền bỏ lễ hội này, thêm lễ hội kia”. Ngay GS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian - cách đây vài năm trong một bài phỏng vấn cũng từng nhấn mạnh: “Ai muốn bỏ lễ hội làng, cứ bỏ hội của chính làng người đó!”. Câu trả lời ngắn gọn nhưng đã khẳng định được một tồn tại lâu nay, khó có thể loại bỏ được các lễ hội cho dù phản cảm, không phù hợp.
Xem ra, Dự thảo quy hoạch lễ hội chưa làm đã mắc. Vướng từ cách làm, từ nhận định của các nhà quản lý. Nhưng có một điều chắc chắn đối với các lễ hội không phù hợp hiện nay bỏ hay không bỏ, điều đó vô cùng nan giải. Liệu đến năm 2020 chúng ta có quy hoạch được các lễ hội như kế hoạch đặt ra?