Quy định về xử phạt xe không chính chủ: Đúng nhưng chưa... thông

ANTĐ - Việc Chính phủ quyết định tạm dừng xử lý người sử dụng phương tiện giao thông “không chính chủ” theo quy định của Nghị định 71 để chờ Thông tư hướng dẫn, được dư luận đồng tình. Trước đó, quy định này đã tạo ra những luồng phản ứng khác nhau.

Bộ Tài chính cùng các bộ cần xem xét, kiến nghị giảm mức phí 

chuyển quyền sở hữu, sang tên đổi chủ phương tiện cơ giới

2 điểm mấu chốt cần giải quyết

Trao đổi với ANTĐ ngày 30-11 ngay sau khi biết tin Chính phủ tạm dừng xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo Nghị định 71, ThS Phạm Văn Hanh, Phó Giám đốc Công ty Phân tích và dự báo thị trường Việt Nam cho rằng, đây là hành động kịp thời để tạo sự đồng thuận trong xã hội. Có thể thấy những phản ứng trong nhân dân xung quanh quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện giao thông thời gian qua không phải do Nghị định quy định sai, mà do nhận thức, tư tưởng của dân chưa thông. Ngay cả khâu thực hiện cũng chưa tốt. Vì vậy, các Bộ ngành chức năng được giao nhiệm vụ cần phải khẩn trương soạn thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 71, không chỉ tuyên truyền để dân hiểu đúng chủ trương mà việc thực hiện cũng phải đúng. 

ThS Phạm Văn Hanh phân tích, ai cũng mong muốn được sở hữu, sử dụng một chiếc xe “chính chủ”. Tuy nhiên, thời điểm áp dụng quy định xử phạt với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này cần phải cân nhắc, tính toán cho phù hợp. “Theo tôi, đây là một quy định có tác động lập tức đến một bộ phận người liên quan, nên sau khi ban hành, cần phải có thời gian tối thiểu khoảng 6 tháng mới chính thức áp dụng xử phạt. Khoảng thời gian này để những người đang sở hữu xe “không chính chủ” hoàn tất các thủ tục sang tên đổi chủ theo quy định. Hoặc nên quy định cụ thể hơn, chẳng hạn những xe đăng ký từ thời điểm quy định trên được ban hành mà không đăng ký chính chủ, không chuyển quyền sở hữu thì sẽ xử phạt theo quy định. Còn những xe “không chính chủ” nhưng đã và đang được chủ sở hữu sử dụng trước thời điểm đó thì khuyến khích sang tên đổi chủ và có lộ trình để họ thực hiện, chứ không xử phạt ngay” - ThS Phạm VănHanh bày tỏ ý kiến.

Đồng quan điểm này, ThS Nguyễn Văn Thục, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Xã hội và Môi trường vùng - Hội Liên hiệp Khoa học kỹ thuật Việt Nam cho biết, Nghị định 71 là chủ trương đúng, nhằm giúp tăng cường quản lý đối với các chủ sở hữu phương tiện cá nhân tham gia giao thông, nhất là trong các trường hợp xảy ra sự cố như xe gặp tai nạn, mất cắp hoặc liên quan tới các hành vi phạm tội. Cùng đó, nó cũng tăng thu thuế, tránh thất thoát cho Ngân sách nhà nước. Tuy vậy, do lịch sử để lại nên thực tế có những xe rất cũ, đã mua bán, trao đổi qua nhiều người nên rất khó để làm được thủ tục sang tên đổi chủ đúng theo quy định. Mặt khác, phí sang tên đổi chủ phương tiện vẫn khá cao. Chẳng hạn một chiếc xe máy có trị giá khoảng 10 triệu đồng trở lên, theo quy định hiện hành thì khi làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, chủ sở hữu xe đó phải mất tối thiểu 1 triệu đồng mới đổi được thành “chính chủ”. Như vậy, sẽ không khuyến khích được ý thức tự giác trong dân chúng.

Khẩn trương soạn thảo thông tư hướng dẫn

Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 11 vừa diễn ra, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, các Bộ liên quan đều đánh giá Nghị định 71 là đúng. Chỉ là cách tổ chức thực hiện thời gian qua chưa thực sự có bước đi phù hợp, chưa gắn với tuyên truyền, vận động nhân dân. Chủ trương đúng mà không tuyên truyền tốt thì cũng có thể gặp khó khăn khi thực hiện. Bộ trưởng Vũ Đức Đam chia sẻ, chủ trương, quy định về việc đăng ký chính chủ và chuyển quyền sở hữu phương tiện cá nhân không phải vấn đề mới. Nếu nhìn lại, năm 2003 Chính phủ đã có quy định cụ thể liên quan đến việc này nhưng khi đó việc xử lý vi phạm chủ yếu nhằm vào người điều khiển phương tiện. Đến năm 2005 có sửa đổi, trong đó chuyển trọng tâm thành xử lý hành vi với chủ phương tiện. Đến năm 2007 cũng có sửa đổi một chút và lần này tiếp tục sửa. 

Người phát ngôn của Chính phủ nhấn mạnh, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an tiến hành đánh giá và có kiến nghị về việc thực hiện Nghị định 71, trong đó có việc xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện giao thông. Cả Bộ Tư pháp, Giao thông Vận tải và Công an đều nhìn nhận, khi tổ chức thực hiện quy định này còn có điểm chưa thông trong nhân dân. Đó là việc xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện lại phổ biến thành truy cứu người điều khiển phương tiện.

Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì cùng các Bộ, ngành khẩn trương soạn thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 71 cho đúng. Trong khi chờ Thông tư hướng dẫn của Bộ Công an, tạm thời chưa thực hiện việc xử phạt hành vi vi phạm không chuyển quyền sở hữu phương tiện. Cùng với đó, Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính cùng các bộ xem xét, kiến nghị mức phí chuyển quyền sở hữu, sang tên đổi chủ phương tiện phù hợp, đồng thời xem xét quy trình thực hiện sang tên đổi chủ  đối với xe cũ sao cho thuận tiện nhất đối với người dân. Bộ trưởng cũng cho rằng, để các văn bản pháp luật khi vào thực tế đạt hiệu quả cao nhất thì cần huy động, khuyến khích người dân tham gia ngay vào quá trình soạn thảo. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền để dân hiểu và thực hiện đúng chủ trương.