Quốc hội thông qua Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi)

ANTD.VN -  Sáng nay 14-6, Quốc hội đã thông qua Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) với kết quả 443/449 ĐBQH có mặt biểu quyết tán thành (chiếm 91,53%).

443/449 ĐBQH có mặt biểu quyết tán thành (chiếm 91,53%), Quốc hội đã thông qua Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi)

Trước đó, Ủy viên UTVQH Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) gồm 16 chương, 207 điều, quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành bản án, quyết định về hình phạt tù, tử hình, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, trục xuất, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, án treo, tha tù trước thời hạn có điều kiện, hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn, biện pháp tư pháp; quyền, nghĩa vụ của người, pháp nhân thương mại chấp hành án hình sự, biện pháp tư pháp; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành án hình sự, biện pháp tư pháp…

Điều 25 và Điều 37 Luật đã bổ sung quy định xử lý trường hợp người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù với lý do ốm nặng nhưng có dấu hiệu phục hồi sức khỏe để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Theo đó, người được hoãn chấp hành án phạt tù vì lý do bị bệnh nặng, nếu xét thấy có dấu hiệu phục hồi sức khỏe mà vẫn trốn tránh việc chấp hành án hoặc người được hoãn chấp hành án phạt tù có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì cơ quan thi hành án hình sự được giao quản lý có trách nhiệm trưng cầu giám định y khoa.

Trường hợp kết quả giám định xác định người được hoãn chấp hành án đã phục hồi sức khỏe thì cơ quan thi hành án hình sự thực hiện việc đưa người đó đến nơi chấp hành án và thông báo cho tòa án đã ra quyết định hoãn chấp hành án.

Trường hợp kết quả giám định xác định người đó mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì cơ quan thi hành án hình sự đề nghị chánh án tòa án đã ra quyết định thi hành án để ra quyết định hủy quyết định hoãn chấp hành án và áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh.

Chi phí giám định do cơ quan trưng cầu giám định chi trả. Về quy định tổ chức lao động cho phạm nhân, Điều 33 Luật quy định, căn cứ vào độ tuổi, sức khỏe, giới tính, mức án, tính chất, mức độ hành vi phạm tội của phạm nhân; điều kiện đất đai, tài nguyên, các ngành nghề, trang thiết bị, phương tiện, vật tư, nguồn vốn mà trại giam đang quản lý và điều kiện cụ thể của trại giam; khả năng hợp tác với tổ chức, cá nhân để tổ chức lao động cho phạm nhân, giám thị trại giam lập kế hoạch tổ chức lao động cho phạm nhân trong năm, gửi về cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an, cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Quốc phòng để phê duyệt.

Chính phủ quy định chi tiết về kế hoạch lao động cho phạm nhân hằng năm. Tại Điều 46 cũng giao Chính phủ quy định chi tiết về các nội dung liên quan đến công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù.

Điều 51 về chế độ đối với phạm nhân nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi quy định trẻ em dưới 36 tháng tuổi, trẻ em từ 36 tháng tuổi trong thời gian chờ đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội là con của phạm nhân ở cùng mẹ trong trại giam được hưởng chế độ ăn, mặc, ở, cấp phát nhu yếu phẩm và được chăm sóc y tế, khám chữa bệnh để bảo đảm thực hiện quyền của trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em.

Báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật, UBTVQH nêu, nếu phát sinh trường hợp trẻ em dưới 36 tháng tuổi theo bố vào trại giam thì cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét, giải quyết theo từng trường hợp cụ thể. Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.

Cũng theo báo cáo giải trình tiếp thu, liên quan đến quy định về tổ chức lao động cho phạm nhân (Điều 33), UBTVQH nhận thấy, chính sách nhất quán của Nhà nước ta từ trước đến nay là: đối với người bị phạt tù thì buộc họ phải lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội. Do đó, đối với người bị phạt tù thì lao động là nghĩa vụ bắt buộc và là nội dung quan trọng trong công tác giáo dục cải tạo phạm nhân. Để nâng cao hiệu quả công tác này thì việc trại giam hợp tác với tổ chức, cá nhân để tổ chức lao động cho phạm nhân là cần thiết.

Về thi hành án tử hình (Chương IV). Nhiều ý kiến nhất trí với quy định tại Chương IV dự thảo Luật về thi hành án tử hình; có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về thời hạn Chủ tịch nước xét đơn xin ân giảm án tử hình để khắc phục tình trạng giam giữ người bị kết án tử hình quá lâu.

Việc xem xét đơn xin ân giảm án tử hình không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Thi hành án hình sự, vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo Luật.

UBTVQH nhận thấy, dự thảo Luật kế thừa quy định của Luật hiện hành giao Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án tử hình xem xét, quyết định việc cho nhận tử thi người bị thi hành án tử hình (Điều 83). Thực tiễn thi hành quy định này nhiều năm qua cho thấy không có vướng mắc. Vì vậy, UBTVQH đề nghị cho giữ như quy định của dự thảo Luật.