Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước: Đảm bảo công khai, minh bạch, sử dụng hiệu quả nguồn lực ngân sách Nhà nước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng 15-6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2020.

Khắc phục tồn tại, chú trọng công tác dự báo

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, công tác lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN năm 2020 còn nhiều tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm chưa được khắc phục; kỷ luật, kỷ cương tài chính quốc gia chưa nghiêm.

Quốc hội thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020

Quốc hội thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung đánh giá vào dự thảo Nghị quyết tại Điều 1 về các kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế nổi lên trong công tác lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN năm 2020. Đồng thời, không liệt kê các cơ quan, đơn vị vi phạm, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vi phạm trong dự thảo Nghị quyết, mà nêu tại Điều 3 dự thảo Nghị quyết yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiểm điểm rút kinh nghiệm, kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế này.

Về thu ngân sách Nhà nước năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế; chú trọng hơn trong công tác dự báo và lập dự toán thu sát khả năng thực hiện. Các địa phương khi lập dự toán thu tiền sử dụng đất cần bám sát kế hoạch, quy hoạch sử dụng, đấu giá quyền sử dụng đất từng thời kỳ; dự báo sự phát triển của thị trường bất động sản, khả năng đấu giá đất tại địa phương hàng năm sát thực tế.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung điểm a, khoản 2 và khoản 4, Điều 3 dự thảo Nghị quyết đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế được đại biểu Quốc hội nêu gồm: Nợ đọng thuế thực tế vẫn còn rất lớn, tình trạng trốn thuế vẫn diễn ra phức tạp; đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát đúng đối tượng được xử lý nợ và báo cáo Quốc hội khi thực hiện xong Nghị quyết 94/2019/QH14 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN.

Kiểm soát chặt việc huy động các khoản vốn vay bù đắp bội chi

Về chi ngân sách Nhà nước năm 2020, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo đưa vào dự thảo Nghị quyết tại Điều 1, Điều 3 đề nghị Chính phủ cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế công tác lập kế hoạch vốn đầu tư phát triển không sát dẫn đến phải hủy bỏ vốn nước ngoài lớn; công tác giao kế hoạch vốn còn chậm, dự toán chi đầu tư phát triển phải điều chỉnh nhiều lần; quyết toán các dự án đầu tư còn chậm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo đưa vào dự thảo Nghị quyết các tồn tại, hạn chế được đại biểu Quốc hội nêu về còn nhiều hạn chế trong chi thường xuyên chưa được chấn chỉnh; còn có trường hợp chi không đúng chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức nhưng chưa được khắc phục tại Điều 1 và yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm, kịp thời khắc phục. Đồng thời, đề nghị Chính phủ kịp thời báo cáo bổ sung các nội dung đại biểu Quốc hội yêu cầu để thông tin đầy đủ đến đại biểu Quốc hội; tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc khắc phục các tồn tại, hạn chế.

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, số chi chuyển nguồn 2020 lớn, có xu hướng gia tăng, chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi NSNN, số chi chuyển nguồn ngân sách Trung ương và chi bổ sung có mục tiêu cho các địa phương lớn hơn số vay bù đắp bội chi. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế; tăng cường kiểm soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn và kết dư ngân sách địa phương; trường hợp phát hiện các khoản quyết toán chi chuyển nguồn không đúng quy định hoặc đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán NSNN năm 2021 chưa thực hiện thì xuất toán, cắt giảm, hủy bỏ, thu hồi về NSNN.

Có ý kiến cho rằng, trong điều kiện ngân sách phải đi vay, trả nợ lãi cao để bù đắp bội chi nhưng số dư tại các quỹ rất lớn; đề nghị báo cáo công khai Quốc hội việc huy động các khoản vốn vay và sử dụng các khoản vốn vay này. Tiếp thu ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung vào dự thảo Nghị quyết giao Chính phủ rà soát, kiểm soát chặt chẽ việc huy động, quản lý các khoản vốn vay bù đắp bội chi, chi trả nợ gốc, trả nợ lãi, tạm ứng chi NSNN. Đề nghị Chính phủ báo cáo công khai với Quốc hội việc huy động các khoản vốn vay và sử dụng các khoản vốn vay này bảo đảm công khai, minh bạch, sử dụng hiệu quả nguồn lực.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2020 gồm: tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước; tổng số chi cân đối ngân sách Nhà nước; bội chi ngân sách Nhà nước và tổng mức vay của ngân sách Nhà nước để bù đắp bội chi và trả nợ gốc. Sau khi nghe trình bày báo cáo, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết bằng hệ thống điện tử. Theo đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020 với 453/457 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 90,96% tổng số đại biểu Quốc hội.

Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ, Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong điều kiện dịch Covid-19 bùng phát phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, giãn cách xã hội, thiên tai, bão lũ xảy ra nghiêm trọng ở nhiều địa phương, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực chậm lại… nhưng tổng thu ngân sách đạt 98,2% dự toán, thu nội địa vượt 0,2% dự toán, tỷ trọng thu nội địa đạt 85,6% tăng so với năm trước, nợ thuế giảm 0,63%; bội chi ngân sách được điều hành quản lý chặt chẽ thấp hơn dự toán Quốc hội giao. Tỷ lệ nợ công đã giảm. kỳ hạn nợ được kéo dài, chi phí huy động giảm đã góp phần cũng cố an toàn, an ninh tài chính quốc gia, giúp tạo dư địa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó kịp thời với dịch bệnh.

Không để xảy ra thất thoát, lãng phí

Bên cạnh kết quả đạt được, việc dự báo, đánh giá tình hình, công tác lập, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020 còn nhiều tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm chưa được khắc phục. Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, cơ quan Trung ương, HĐND, UBND các cấp và các đơn vị quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với các tồn tại, hạn chế; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, quyết toán ngân sách Nhà nước để không lặp lại các tồn tại, hạn chế này trong các năm sau.

Quốc hội giao Chính phủ công khai quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020 theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương, UBND các cấp và các đơn vị quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước: Kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế; Thực hiện các biện pháp quyết liệt, đồng bộ để tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, không để xảy ra thất thoát, lãng phí; Nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi cơ chế phân cấp ngân sách phù hợp để đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, đồng thời tăng cường tính chủ động cho các địa phương; chấn chỉnh quản lý chi đầu tư từ khâu lập, phân bổ, giao dự toán đến tổ chức, triển khai thực hiện, quyết toán các dự án đầu tư; quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn; Khẩn trương thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với quyết toán NSNN niên độ năm 2020; Làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước…