Hôm nay khai mạc Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII:

Quốc hội nghe báo cáo về tình hình Biển Đông

ANTĐ - Chiều 19-5, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo về dự kiến chương trình và những nội dung của kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, trong đó có nội dung các dự thảo luật sẽ được xem xét thông qua và cho ý kiến.  Đặc biệt, những vấn đề “nóng” trong thời gian gần đây cũng sẽ được đưa vào chương trình nghị sự.

Họp báo công bố chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIII

Cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành khoảng 7 ngày để xem xét, thảo luận và quyết định các vấn đề quan trọng. Ngay sau phiên khai mạc kỳ họp, Quốc hội sẽ nghe Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày báo cáo về tình hình Biển Đông, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cũng như chủ trương và giải pháp của Việt Nam trước sự việc này. 

Cũng trong buổi họp báo diễn ra chiều 19-5, các phóng viên đã đặt rất nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề Biển Đông, đây cũng là sự việc thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận và cử tri cả nước. Trong phần trả lời câu hỏi của các cơ quan báo chí, truyền thông, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định, hành động hạ đặt giàn khoan trái phép ngang nhiên của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam là việc làm vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế, Trung Quốc còn đi ngược lại hoàn toàn với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc, với các nội dung chính như: cam kết tuân thủ Công ước Luật Biển năm 1982, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không chiếm đóng mới, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình…

Trước câu hỏi Chính phủ Việt Nam sẽ giải quyết vấn đề Biển Đông như thế nào nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục có hành vi khiêu khích và sử dụng các biện pháp vũ lực, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, Việt Nam sẽ giải quyết các vấn đề bằng con đường thương lượng, hoà bình. Quốc hội sẽ bày tỏ quan điểm của mình trên các diễn đàn, ủng hộ quan điểm bảo vệ chủ quyền chính đáng của người dân Việt Nam. Đặc biệt, thông qua các chính khách quốc tế, Nghị viện các quốc gia góp tiếng nói, tạo sự đồng thuận trong việc ủng hộ Việt Nam bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ an ninh, an toàn, tự do hàng hải cũng như bảo vệ luật pháp quốc tế.

Tháo gỡ những khó khăn kinh tế

Quốc hội sẽ xem xét thông qua 10 dự án luật, 3 nghị quyết và cho ý kiến 16 dự án luật khác. Một dự án luật được nhiều cử tri quan tâm là Luật Bảo vệ môi trường vì hiện nay môi trường của nước ta đang ở trong tình trạng “báo động”, đặc biệt là xử lý rác thải, nước thải, ô nhiễm môi trường nước, không khí... đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Bên cạnh đó, vấn đề thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về môi trường, bồi thường thiệt hại về môi trường cũng thu hút sự quan tâm của người dân. 

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, tập trung sửa đổi các quy định về việc bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), quy định tham gia BHYT theo hộ gia đình, quản lý, phân bổ sử dụng và xử lý quỹ BHYT, thanh toán BHYT với bệnh nhân tự đi khám bệnh, chữa bệnh vượt tuyến để hướng tới bảo hiểm toàn dân, tạo thuận lợi cho người có thẻ BHYT có thể khám chữa bệnh ở nhiều nơi cũng được thảo luận và thông qua tại kỳ họp lần này. Ngoài ra, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam gồm 9 chương, 55 điều cũng được lấy ý kiến tại kỳ họp Quốc hội lần này, trong đó nêu rõ nguyên tắc nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam;  quy định người nước ngoài tạm trú tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế ven biển… 

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012. Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Sĩ Dũng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, với vai trò chủ đạo của Nhà nước, sự nỗ lực của các ngành, các cấp, các tổ chức trong và ngoài nước, các cộng đồng dân cư, hàng triệu người nghèo đã chủ động tham gia vào mục tiêu giảm nghèo, vượt qua khó khăn để thoát nghèo, cải thiện cuộc sống và hoà nhập với xã hội, đóng góp quan trọng vào thành quả giảm nghèo của Việt Nam. 

Chất vấn trong 2 ngày rưỡi

Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII sẽ khai mạc tại Hà Nội vào 9h sáng nay (20-5) và bế mạc ngày 24-6. Theo dự kiến, kỳ họp này Quốc hội sẽ dành 11 buổi truyền hình, phát thanh trực tiếp trên thời sự (VTV1) của Đài Truyền hình Việt Nam và kênh thời sự - chính trị - tổng hợp (VOV1) của Đài tiếng nói Việt Nam về các nội dung liên quan đến các vấn đề kinh tế- xã hội. Về hoạt động chất vấn tại kỳ họp, Quốc hội sẽ dành thời gian 2 ngày rưỡi để thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn của ĐBQH đối với một số Bộ trưởng về những vấn đề cử tri và nhân dân cả nước quan tâm.

Đề nghị sửa đổi Nghị quyết về ấy phiếu tín nhiệm

Đề cập về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, đây là việc đúng đắn và cần thiết, qua đó giúp cán bộ tự “soi” mình, nhận ra ưu, khuyết điểm để làm tốt hơn, phấn đấu, tu dưỡng và cũng là kênh để các cơ quan quản lý cán bộ tham khảo. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, có một số vấn đề về thời điểm, đối tượng, hình thức lấy phiếu tín nhiệm cần phải rút kinh nghiệm nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35 tại kỳ họp thứ 7. Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35 giữ nguyên đối tượng và 3 mức tín nhiệm. Thời gian lấy phiếu tín nhiệm dự kiến được tiến hành vào năm thứ 3 của nhiệm kỳ, tại kỳ họp cuối năm để có thời gian khắc phục, sửa chữa khuyết điểm…