Quốc hội giao Chính phủ chọn thêm 1 ngày nghỉ lễ là ngày 1/9 hoặc 3/9

ANTD.VN -Ngày 20/11, Quốc hội dự kiến biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi). Trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng nay (19/11), Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án Bộ luật Lao động sửa đổi) Bùi Sỹ Lợi cho biết, Quốc hội giao Chính phủ chọn thêm 1 ngày nghỉ lễ trong năm là ngày 1/9 hoặc 3/9.

Về nội dung thêm ngày nghỉ, theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi, trong thời gian từ 1/5- 2/9, Chính phủ muốn có thêm 1 ngày nghỉ, nhưng ngày 28/6 và 2/9 có ý nghĩa tương đồng. Việc chọn ngày 28/6 cũng rất ý nghĩa vì đó là ngày Gia đình Việt Nam nhưng chọn ngày 2/9 thì thuận lợi cao hơn vì vừa giải quyết được vấn đề gia đình, vừa là ngày Quốc khánh của đất nước, lại là ngày cận kề trẻ em, học sinh, sinh viên đến trường.

 “Nếu thêm 1 ngày nghỉ thì người lao động có 2 ngày đi về, không bị gấp rút về thời gian. Nếu chỉ nghỉ 1 ngày 28/6 sẽ gây khó khăn cho người lao động. Do vậy, dịp 2/9 có thể nghỉ thêm ngày 1/9 hoặc 3/9. Điều này sẽ tạo điều kiện cho phụ huynh và học sinh có thêm thời gian chuẩn bị cho ngày khai giảng. Việc chọn ngày nghỉ là ngày 1/9 hoặc 3/9 Quốc hội giao cho Chính phủ chọn” – Đại biểu Lợi nói.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi bên hành lang Quốc hội

Về giảm giờ làm việc, theo Đại biểu Lợi, khi năng suất lao động tăng lên, người lao động có nhu cầu giảm thời gian làm việc xuống không phải chỉ 44 giờ mà mà có thể còn 40 giờ/tuần.

“Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thương lượng để giảm giờ làm việc từ 44 giờ xuống còn 40 giờ. Điều này có thể hoàn toàn thực hiện được nếu tổ chức công đoàn mạnh, vì đây là quy định mở, không thể ép doanh nghiệp phải thế này thế kia, trong khi người lao động cũng có mong muốn, họ có quyền của họ” – Đại biểu Lợi phân tích.

Về quyền nghỉ hưu sớm hiện không còn quy định trong Dự thảo. Người lao động làm việc trong điều kiện đặc biệt nặng nhọc độc hại nguy hiểm và những ngành nghề khác do Chính phủ quy định thì được giảm tối đa 5 năm, trừ trường hợp pháp luật quy định khác.

Đại biểu Lợi thông tin thêm, người lao động có thể kéo dài thời gian làm việc thêm 5 năm trừ những trường hợp khác do pháp luật quy định (như giáo dục, y tế quy định đến 72 tuổi). Lao động làm trong ngành nghề nặng nhọc độc hại, 1 số trường hợp suy giảm khả năng lao động vẫn có khả năng cho nghỉ hưu sớm.

Liên quan đến lao động nữ, có quan điểm phụ nữ mang thai, đi làm vùng sâu vùng xa có thể làm thêm nhưng điều này bị cấm trong Dự thảo BLLĐ, không có chuyện thoả thuận.

Bên cạnh đó, nội dung, phụ nữ khi hết hợp đồng lao động nhưng mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ thì phải kéo dài hợp đồng cũng không được xem xét bởi đây là hợp đồng dân sự, hết thời hạn phải chấm dứt hợp đồng, song Dự thảo vẫn đưa thêm Điều 137 quy định lao động nữ khi hết hợp đồng lao động nhưng mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ thì doanh nghiệp sử dụng lao động phải ưu tiên ký kết hợp đồng mới - Đại biểu Lợi nhấn mạnh.