Quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể bị phạt tới 30 triệu đồng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chính phủ đang soạn thảo Dự thảo Nghị định quy định xử phạt hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo Dự thảo, hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể bị phạt tới 30 triệu đồng.

Về những vi phạm quy định trong thực hiện hợp đồng lao động, Điều 11 Dự thảo nêu rõ, phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không báo cho người lao động trước 3 ngày làm việc hoặc không thông báo rõ thời hạn làm tạm thời hoặc bố trí công việc không phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động.

Phạt tiền từ 3-7 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Bố trí người lao động làm việc ở địa điểm khác với địa điểm làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động; Không nhận lại người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động; Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động không đúng lý do, thời hạn hoặc không có văn bản đồng ý của người lao động theo quy định của pháp luật.

Mức phạt tiền sẽ tăng lên, từ 50-75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Cưỡng bức lao động, ngược đãi người lao động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.

Đặc biệt, đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, theo quy định tại BLLĐ 2019, quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.

Để cụ thể hóa quy định trên, Dự thảo đưa ra mức phạt tiền từ 15-30 triệu đồng đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Với các doanh nghiệp cho thuê lại lao động, Dự thảo nêu ra hàng loạt mức xử phạt mới, theo đó, bên thuê lại lao động sẽ bị tiền từ 40-50 triệu đồng khi có một trong các hành vi: Sử dụng lao động thuê lại để làm những công việc không thuộc danh mục các công việc được thực hiện cho thuê lại lao động;

Ngoài ra, hành vi sử dụng người lao động thuê lại được cung cấp bởi doanh nghiệp không có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động; Sử dụng lao động thuê lại để thay thế người lao động đang trong thời gian thực hiện quyền đình công, giải quyết tranh chấp lao động cũng sẽ bị phạt từ 40-50 triệu đồng.

Đối với vi phạm quy định về lao động là người giúp việc gia đình, mức phạt tiền từ 10-15 triệu đồng sẽ được áp dụng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Giữ giấy tờ tùy thân của người giúp việc gia đình; Không trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật để người lao động chủ động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Người sử dụng lao động có hành vi ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với người lao động là người giúp việc gia đình mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 50-75 triệu đồng.